Đề xuất cho phép cộng dồn hợp đồng hoá chất, vật tư, thiết bị y tế tương tự trong 1 năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đối với lĩnh vực y tế, đa số là gói thầu được chia theo nhiều phần/lô. Trước đây, nhà thầu tham dự mỗi phần/lô đều phải chứng minh năng lực, kinh nghiệm bằng một hợp đồng tương tự đã thực hiện trong thời gian gần nhất với phần/lô đang xét.

Ông Nguyễn Hải Hà, Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị y tế thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương

Ví dụ, nhà thầu tham dự 5 phần/lô thì phải có 5 hợp đồng tương tự đã thực hiện trong thời gian gần nhất. Nhưng đến nay, theo quy định mới của pháp luật về đấu thầu, nếu tham dự 5 phần/lô, nhà thầu chỉ cần chứng minh bằng 1 hợp đồng tương tự của phần/lô có giá trị lớn nhất. Đây là bước tiến rất lớn, tạo thuận lợi cho các nhà thầu và cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, đối với những phần/lô hoá chất - vật tư có giá trị lớn, những nhà thầu có hợp đồng tương tự có giá trị 10 - 20 tỷ đồng là rất ít, chủ yếu là những nhà thầu lớn thường xuyên trúng thầu ở những bệnh viện lớn, tuyến trung ương. Điều này là rất thiệt thòi cho những nhà thầu có nhiều hợp đồng cung ứng hoá chất - vật tư trong năm gần nhất với tổng giá trị đạt hoặc vượt yêu cầu của phần/lô đang xét, nhưng nếu xét theo từng hợp đồng thì giá trị nhỏ hơn.

Nếu trong lĩnh vực xây dựng, nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm xây dựng 100 nhà cấp IV không thể so sánh tương đương với nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm xây nhà 100 tầng. Nhưng trong lĩnh vực cung cấp hàng hoá như mua sắm hoá chất, vật tư, thiết bị y tế, tổng giá trị hàng hoá cung cấp trong năm của nhà thầu có thể chứng minh được khả năng đáp ứng yêu cầu về số lượng và tiến độ giao hàng của nhà thầu đó cho phần/lô hay gói thầu đang xét.

Nếu được cộng dồn hợp đồng cung ứng hàng hoá trong 1 năm thì sẽ gia tăng tính cạnh tranh cho cuộc thầu, mở ra cơ hội tham gia cho nhiều nhà thầu có năng lực nhưng mới chỉ trúng nhiều gói thầu nhỏ ở các địa phương có thể vươn lên làm những gói thầu to hơn. Điều này cũng góp phần hạn chế được tình trạng độc quyền của các nhà thầu lớn, tránh tình trạng các nhà thầu mượn năng lực của nhau, gửi hàng dẫn đến việc mua bán lòng vòng, đẩy giá lên cao.

Tin cùng chuyên mục