Đề xuất đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, trong đó đề xuất bổ sung cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện. Nhiều chuyên gia năng lượng nhìn nhận, việc bổ sung cơ chế này là rất cần thiết nhằm bảo đảm việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện công khai, minh bạch, cạnh tranh cũng như tăng tính khả thi của dự án.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) quy định rõ thẩm quyền, quy trình, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện. Ảnh: Nhã Chi
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) quy định rõ thẩm quyền, quy trình, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện. Ảnh: Nhã Chi

Về điểm mới của Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương cho biết, Dự thảo Luật bổ sung cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện với việc quy định rõ về thẩm quyền tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; quy trình, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện được thực hiện trên cơ sở các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Điện lực.

Cụ thể, đối với đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đầu tư công, Điều 27 Dự thảo Luật nêu rõ, hoạt động đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Về thẩm quyền tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Dự thảo Luật quy định, Bộ Công Thương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ; UBND cấp tỉnh nơi có dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án do mình chấp thuận chủ trương đầu tư.

Về quy trình thực hiện, trước khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, các dự án điện lực phải thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, phê duyệt quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Hồ sơ mời thầu (HSMT) được lập trên cơ sở các tài liệu: quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng dự án điện lực, dự thảo hợp đồng mua bán điện được cơ quan tổ chức đấu thầu thống nhất với bên mua điện trên cơ sở hợp đồng mua bán điện mẫu được sửa đổi, bổ sung phù hợp với đặc điểm cụ thể từng dự án.

Bộ Công Thương ban hành mẫu HSMT để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực (bao gồm cả mẫu hợp đồng mua bán điện giữa nhà đầu tư trúng thầu và bên mua điện). Bên mua điện có trách nhiệm đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng mua bán điện trên cơ sở kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực. Giá điện trúng thầu được phê duyệt là giá tối đa để bên mua điện đàm phán, ký hợp đồng với nhà đầu tư trúng thầu...

“Trong thời gian 6 tháng kể từ ngày phê duyệt kết quả đấu thầu, chủ đầu tư phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án điện lực. Trong thời gian 6 tháng kể từ ngày phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án điện lực, bên mua điện và nhà đầu tư trúng thầu thực hiện đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện trên cơ sở các chi phí hợp lý, hợp lệ tại báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án điện lực được duyệt theo đúng các quy định của pháp luật”, khoản 7 Điều 27 Dự thảo Luật nêu.

Báo cáo tác động của việc bổ sung chính sách đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện, Bộ Công Thương cho biết, đối với hệ thống pháp luật, chính sách này không tác động đến bộ máy quản lý nhà nước về quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Về kinh tế - xã hội, chính sách này giúp bảo đảm thực hiện các dự án điện lực theo các quy hoạch được duyệt, bảo đảm cung cấp điện, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước huy động được nguồn lực đầu tư của xã hội, khai thác được nguồn lợi thiên nhiên to lớn, dồi dào...

Nhà đầu tư trong nước được cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích đầu tư công trình điện, thu được lợi ích từ việc được tạo môi trường đầu tư thuận lợi để tăng doanh thu và có lợi nhuận hợp lý. Nhà đầu tư nước ngoài có điều kiện để tham gia vào thị trường Việt Nam sâu rộng hơn, có cơ hội tham gia đầu tư công trình điện, có thể thu được lợi ích kinh tế từ gia nhập thị trường, thực hiện cam kết phát triển xanh...

Đối với đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực thực hiện đầu tư theo phương thức PPP, Điều 28 Dự thảo Luật quy định thực hiện theo pháp luật về đầu tư PPP. Trong quá trình đấu thầu, cơ quan tổ chức đấu thầu được áp dụng khoản 4 Điều 27 Luật này để thực hiện. Theo đó, căn cứ yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng và điều kiện cho phép về tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nguồn nhân lực, khả năng tài chính của nền kinh tế, theo từng thời kỳ Chính phủ quy định các cơ chế cụ thể về: nguyên tắc giá, chuyển ngang giá khí sang giá điện, đảm bảo tiêu thụ hết khí khai thác trong nước, cam kết sản lượng điện tối thiểu dài hạn đối với nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng, bảo lãnh đầu tư, chuyển đổi ngoại tệ, các cam kết về chuyển giao công nghệ và sử dụng hàng hóa và dịch vụ trong nước, bảo đảm của nhà nước để thực hiện dự án đầu tư khi lập HSMT, đặc biệt là các loại hình điện khí, điện gió trên bờ và năng lượng mới để đảm bảo thực hiện các dự án trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Về lý do đề xuất bổ sung cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện, đại diện cơ quan được giao chủ trì xây dựng Luật cho biết, nhằm bảo đảm đồng bộ với các quy định tại các luật liên quan (Đầu tư, Đấu thầu...), bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và khả thi trong thực hiện.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia đấu thầu ngành điện Ninh Viết Định đánh giá cao đề xuất chính sách trên tại Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Ông Định cho rằng, việc bổ sung cơ chế này để lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện là rất cần thiết, quy định rõ sự cần thiết phải thực hiện đấu thầu trong các trường hợp một cách rõ ràng, chặt chẽ, thời gian thực hiện các bước trong đấu thầu (khoản 7 Điều 27 Dự thảo Luật) giúp bảo đảm công khai, minh bạch thị trường điện.

“Đấu thầu là cơ chế mua sắm cạnh tranh, minh bạch, công bằng và hiệu quả kinh tế được áp dụng từ lâu trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nếu đề xuất này được thông qua sẽ giúp hoạt động đầu tư vào các dự án điện minh bạch hơn, qua đó lựa chọn được chủ đầu tư dự án điện có năng lực, bảo đảm tính khả thi của Dự án”, ông Định nêu quan điểm.

Ông Phan Xuân Dương, nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Tân 3 cho rằng, Dự thảo Luật vẫn thiếu vắng các quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện dự án. Ví dụ, việc đền bù giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu chậm trễ gây phát sinh tổng mức đầu tư dự án hoặc chi phí này cao hơn so với khi đấu thầu thì ai chịu trách nhiệm..., cần bổ sung để hoàn thiện.

Bên cạnh đó, đại diện nhiều doanh nghiệp ngành điện như: Công ty Phong Điện Thuận Bình, Tập đoàn HBRE... hoan nghênh đề xuất mới tại Dự thảo Luật và cho rằng, việc bổ sung cơ chế này là cần thiết nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và khả thi trong thực hiện.

Tin cùng chuyên mục