Ảnh Internet |
Không lên sàn, hủy đăng ký công ty đại chúng
Một đại gia trong lĩnh vực công nghiệp ô tô đang được nhiều nhà đầu tư ngóng đợi lên sàn là Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Phiên IPO của VEAM đã được tổ chức từ ngày 12/8/2016 và bán hơn 149 triệu cổ phần (tương đương 90% lượng cổ phần chào bán), thu về hơn 2.136 tỷ đồng. Với quy mô vốn lên đến cả chục nghìn tỷ đồng, VEAM là một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất từng được CPH. Doanh nghiệp này cũng đang nắm giữ 30% cổ phần Honda Việt Nam, 20% cổ phần Toyota Việt Nam, 25% cổ phần Ford Việt Nam và đây là những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận lớn nhất cho VEAM.
Theo thông tin được công bố tại ĐHĐCĐ diễn ra tháng 1/2017, tổng doanh thu năm 2016 của VEAM đạt 11.315 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2015; lợi nhuận hợp nhất đạt 3.602 tỷ đồng, giảm 17%. Năm 2017, VEAM đặt kế hoạch tổng doanh thu là 11.812 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất là 3.600 tỷ đồng.
Một “ông lớn” trong ngành xây dựng lỡ hẹn lên sàn giao dịch chứng khoán là Tổng công ty Công trình giao thông 1 (Cienco 1). Ngày 21/3/2014, 16,1 triệu cổ phần của Cienco 1 đã được IPO thành công và thu về hơn 161 tỷ đồng. Như vậy, đã gần 3 năm nhưng Cienco 1 vẫn chưa chịu lên giao dịch tại sàn chứng khoán.
ĐHĐCĐ năm 2016 của Cienco 1 đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HNX từ tháng 6/2016, trong trường hợp không đủ điều kiện niêm yết thì chuyển sang đăng ký giao dịch trên UPCoM. Tuy nhiên cho đến thời điểm này Cienco 1 vẫn chưa lên sàn. Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, Phòng Quan hệ cổ đông của Cienco 1 cho biết kế hoạch đưa cổ phiếu Cienco 1 lên sàn vẫn đang được… trình lãnh đạo phê duyệt.
Sau cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh của Cienco 1 khá trầm lắng. Năm 2016, doanh thu của Tổng công ty chỉ đạt 3.431 tỷ đồng (giảm 40% so với năm 2015), bằng 76% kế hoạch năm. Tương tự, lãi ròng cũng giảm tới 35%, xuống còn gần 57 tỷ đồng, bằng 78% kế hoạch. Theo báo cáo tài chính quý I/2017, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Cienco 1 lần lượt đạt 453 tỷ đồng (giảm 25% so với cùng kỳ năm 2015), và 11,1 tỷ đồng (giảm gần 6% so với cùng kỳ năm 2015).
Một tên tuổi lớn khác nằm trong danh sách các doanh nghiệp chậm lên sàn là Tổng công ty Rau quả, nông sản (Vegetexco Vietnam). Ngày 4/9/2015, Vegetexco Vietnam đã tổ chức IPO thành công khi phân phối hết 27,67 triệu cổ phần (tương đương 38,8% vốn điều lệ) cho 6 nhà đầu tư. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ thông tin về kế hoạch lên sàn của Vegetexco Vietnam. Tại ĐHĐCĐ các năm 2015, 2016, 2017, nội dung về việc lên sàn chứng khoán đều không được đề cập. Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Cao Điệp, người được ủy quyền thực hiện công bố thông tin của Vegetexco Vietnam cho biết, phương án đưa cổ phiếu của Tổng công ty lên sàn đang gặp một vài sự cố.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, doanh thu của Vegetexco Vietnam đạt 4.147 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 33 tỷ đồng. Theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2017, Tổng công ty đặt kế hoạch doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 4.466 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế là 36,8 tỷ đồng.
Bên cạnh những trường hợp né đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, còn xuất hiện tình trạng giảm số lượng cổ đông, hủy đăng ký công ty đại chúng. Điển hình là trường hợp của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor). Đây là động thái “nhất cử, lưỡng tiện”, không những né được việc lên sàn, Vinamotor còn tránh được việc công bố thông tin hoạt động một cách công khai, minh bạch.
Không lên sàn vì ngại minh bạch
Trước đó, Công văn số 4090/VPCP-ĐMDN ngày 21/4/2017 của Văn phòng Chính phủ đã nêu tên 578 doanh nghiệp đã CPH nhưng chưa đăng ký giao dịch niêm yết. Đa số nguyên nhân khiến việc chậm trễ đưa cổ phiếu lên giao dịch tại sàn UPCoM hoặc lên niêm yết được các doanh nghiệp đưa ra là chưa phải công ty đại chúng do không đáp ứng tiêu chí có ít nhất 100 nhà đầu tư, hoặc do vốn điều lệ chưa đạt đủ 10 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp cho biết đang trong quá trình làm thủ tục để đưa chứng khoán lên giao dịch, hay đang trong quá trình bàn giao sang cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Tuy nhiên theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), ngoài việc không đủ điều kiện để đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán thì còn một số nguyên nhân khác. Thứ nhất, lãnh đạo công ty sợ bị thay thế do cổ đông có thể tiến cử người có năng lực hơn vào bộ máy quản trị của công ty. Thứ hai, những cổ đông muốn nắm giữ công ty lâu dài sợ bị ảnh hưởng do nguy cơ bị thâu tóm cao khi giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Thứ ba, doanh nghiệp sợ minh bạch thông tin và sợ bị theo dõi của dư luận khi có các hoạt động mờ ám.
Cũng theo ông Trương Thanh Đức, việc nêu tên các doanh nghiệp CPH chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán vẫn là chưa đủ để tạo áp lực thúc các doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Mặt khác, khi có một thị trường chứng khoán đủ sức hấp dẫn, minh bạch, doanh nghiệp sẽ lên một cách tự nguyện.
Việc Thông tư số 36/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 217/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/6/2017 là điều mà các nhà đầu tư đã mong đợi từ nhiều năm nay. Cùng với đó, những động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc CPH doanh nghiệp nhà nước đang được kỳ vọng sẽ tạo ra một thị trường minh bạch và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư, đồng thời bổ sung những cổ phiếu tốt cho thị trường.