“Điểm nghẽn” thanh toán dự án BT từ trường hợp của Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các dự án BT được triển khai tại Hà Nội đã góp phần huy động được nguồn lực xã hội, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, góp phần giảm ùn tắc giao thông của Thành phố. Tuy nhiên, chung cảnh với một số địa phương trên cả nước, Hà Nội gặp 3 nhóm vướng mắc tại nhiều dự án BT kéo dài nhiều năm, rất cần phải tháo gỡ.
Dự án Xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên thông xe từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành giao quỹ đất đối ứng thanh toán cho nhà đầu tư. Ảnh: Nhật Quang
Dự án Xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên thông xe từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành giao quỹ đất đối ứng thanh toán cho nhà đầu tư. Ảnh: Nhật Quang

Điểm tên những dự án vướng mắc nhiều năm

Dự án Xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên của Công ty CP Him Lam ký hợp đồng cách đây khoảng 10 năm, thông xe từ năm 2016, giá trị quyết toán 984,958 tỷ đồng. Dự án hoàn thành đã kết nối các trục đường quốc lộ với hệ thống giao thông cửa ngõ phía Bắc Hà Nội. Vì nhiều lý do, đến nay, Dự án vẫn chưa hoàn thành giao quỹ đất đối ứng thanh toán cho Nhà đầu tư. Được biết, Nhà đầu tư đã đề xuất cho phép thanh toán bằng quỹ đất khoảng 34 ha tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm.

Nhiều dự án khác như Bảo tàng Hà Nội (phần xây dựng và thiết bị), Tuyến đường Lê Đức Thọ qua sông Nhuệ đến Khu đô thị mới Xuân Phương, Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở, Dự án Trạm Xử lý nước thải khu vực Hồ Tây… hoàn thành nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành quyết toán, thậm chí có dự án chưa bàn giao được cho Thành phố.

Theo một báo cáo thống kê vào cuối tháng 7/2023 của UBND TP. Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện 17 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, trong đó có 11 dự án đã hoàn thành và 6 dự án đang triển khai.

Trong 11 dự án hoàn thành đầu tư xây dựng, có 3 dự án đã quyết toán hoàn thành và hoàn thành thanh toán; 2 dự án đã bàn giao, quyết toán hoàn thành và chưa thanh toán bằng quỹ đất đối ứng; 2 dự án đã bàn giao, chưa quyết toán nhưng hoàn thành thanh toán; 1 dự án đã bàn giao, chưa quyết toán và chưa thanh toán đủ quỹ đất đối ứng; 2 dự án chưa bàn giao, chưa quyết toán và hoàn thành thanh toán bằng quỹ đất đối ứng; 1 dự án chưa bàn giao, chưa quyết toán và chưa hoàn thành thanh toán bằng quỹ đất đối ứng.

Trong 6 dự án đã ký hợp đồng, đang triển khai có 4 dự án đã hoàn thành thanh toán bằng quỹ đất đối ứng; 1 dự án chưa hoàn thành thanh toán quỹ đất và 1 dự án chưa thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư.

Tính đến cuối tháng 7/2023, trên địa bàn Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện 17 dự án đầu tư theo loại hợp đồng BT. Ảnh: Nguyễn Khánh

Tính đến cuối tháng 7/2023, trên địa bàn Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện 17 dự án đầu tư theo loại hợp đồng BT. Ảnh: Nguyễn Khánh

Phân loại vướng mắc, đề xuất hướng xử lý

Theo UBND TP. Hà Nội, có 3 nhóm vướng mắc đối với các dự án BT tại Thành phố.

Cụ thể, Nhóm 1, vướng mắc phát sinh từ quy định pháp luật về thanh toán cho nhà đầu tư. Quy định còn có nội dung chưa thống nhất giữa các luật, ví dụ giao đất đối ứng thanh toán mâu thuẫn với Luật Đất đai 2013 (Điều 118 Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất); chưa có quy định đối với trường hợp trong quỹ đất đối ứng dự kiến thanh toán có quỹ đất công nằm xen kẹt…

Trường hợp tổ chức đấu giá quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư, tiền thu được sau khi đấu giá được nộp vào ngân sách và hiện nay không có quy định, khung pháp lý về thanh toán cho các dự án BT bằng ngân sách nhà nước (tiền thu từ đấu giá đất để đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công).

Đối với các hợp đồng BT ký kết trước năm 2018 đã dự kiến quỹ đất đối ứng để thanh toán, hiện giá trị quỹ đất (tiền sử dụng đất được xác định tại thời điểm quyết định giao đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013) thanh toán đã tăng, lớn hơn rất nhiều lần so với giá trị công trình BT được phê duyệt. Về nguyên tắc áp dụng quy định pháp luật phải thực hiện thanh toán theo Luật PPP, theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng. Tuy nhiên, như vậy không bảo đảm phù hợp quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Nghị định số 69/2019/NĐ-CP và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP là thanh toán theo nguyên tắc ngang giá.

Nhóm 2, vướng mắc do thiếu quy định để thực hiện ở cấp nghị định hoặc quy định còn cách hiểu chưa thống nhất. Có dự án được phê duyệt và ký kết hợp đồng BT từ năm 2008, trong đó đã giao và xác định giá trị quỹ đất thanh toán. Nay dự án phải phê duyệt điều chỉnh (tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án), nhưng chưa có quy định cụ thể về phương pháp xác định tổng vốn đầu tư, xác định đơn giá, định mức, biện pháp thi công, các loại vật tư, vật liệu đối với khối lượng các hạng mục sẽ thực hiện tại thời điểm hiện nay so với thời điểm phê duyệt Dự án.

Nhóm 3, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Ví dụ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư còn vướng mắc về cơ chế, chính sách xác định nguồn gốc đất, tái định cư; quy trình giải phóng mặt bằng phức tạp, phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy định đối với từng phương án cụ thể… gây khó khăn trong thực hiện, dẫn đến làm chậm quá trình thực hiện, làm tăng giá trị các dự án BT.

Việc thực hiện dự án khác trên quỹ đất được Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư là một phần trách nhiệm của nhà đầu tư theo hợp đồng BT. Đồng thời, trong dự án khác bao gồm các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mà nhà đầu tư có trách nhiệm đầu tư xây dựng. Hiện có tình trạng nhà đầu tư chỉ tập trung đầu tư xây dựng các công trình thương mại nhà thấp tầng, nhà cao tầng để kinh doanh thu hồi vốn mà chưa tập trung hoàn thiện toàn bộ các hạng mục theo quy hoạch được phê duyệt gây khó khăn trong việc quyết toán, thanh lý hợp đồng BT (dự án khác là một nội dung trong hợp đồng BT). Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về công tác quản lý, giám sát thực hiện dự án khác của dự án triển khai theo hình thức hợp đồng BT (dự án đối ứng cho dự án BT).

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có công văn gửi các địa phương đề nghị tổng hợp, phân loại vướng mắc trong quá trình triển khai dự án BT chuyển tiếp và đề xuất phương án xử lý. Trong đó, Bộ KH&ĐT dự kiến xử lý theo hướng, vướng mắc thuộc Nhóm 1 phát sinh từ quy định của Luật, có yếu tố phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp hợp đồng, vượt thẩm quyền xử lý của Chính phủ, do vậy, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Vướng mắc thuộc Nhóm 2 phát sinh từ quy định tại các nghị định thuộc thẩm quyền xử lý của Chính phủ, do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nghị định có liên quan, gồm Nghị định số 69/2019/NĐ-CP, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP. Các vướng mắc trong Nhóm 3 thuộc thẩm quyền của cơ quan ký kết hợp đồng, do vậy, các cơ quan cần chủ động xử lý theo thẩm quyền theo quy định của pháp luật và hợp đồng dự án.

UBND TP. Hà Nội thống nhất với đề xuất phương án xử lý vướng mắc của Bộ KH&ĐT và kỳ vọng sớm có quy định để áp dụng triển khai thực hiện. Tại hội nghị Chính phủ với địa phương tháng 6/2023, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhắc đến vướng mắc tại một dự án BT lớn của Thành phố và kiến nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo tháo gỡ. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các dự án BT nói riêng, dự án PPP nói chung ký hợp đồng trước Luật PPP.