Điều hành phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm: Thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều địa phương đạt được những con số tăng trưởng ngoạn mục trong quý II/2022. Bức tranh kinh tế cả nước 6 tháng cũng có không ít điểm sáng, phục hồi rõ nét trong nhiều lĩnh vực. Dù vậy, rất nhiều thách thức, rủi ro mới đang “chực chờ”, đòi hỏi phải có giải pháp kịp thời, đồng thời với những giải pháp trung, dài hạn để tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Trong nửa đầu năm 2022, nhiều ngành, lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến thủy sản, du lịch, điện tử… có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Lê Tiên
Trong nửa đầu năm 2022, nhiều ngành, lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến thủy sản, du lịch, điện tử… có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Lê Tiên

Tiếp đà phục hồi

Nối tiếp Hội nghị lắng nghe ý kiến doanh nghiệp về tình hình sản xuất, kinh doanh diễn ra ngày 27 và 28/6/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tiếp tục tổ chức Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ giải pháp trọng tâm điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm.

Thông tin tại Hội nghị cho thấy tốc độ tăng trưởng GRDP quý II của nhiều địa phương tăng mạnh, giúp kết quả tăng trưởng 6 tháng rất tích cực. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, tốc độ tăng GRDP 6 tháng của Tỉnh đạt 10,66%, cao hơn kịch bản 0,41%. Quý II, tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng đạt 12,4%, 6 tháng đạt 7,23%, không chỉ tăng so với cùng kỳ năm trước mà còn tăng so với trước dịch (năm 2019)…

Theo Bộ KH&ĐT, bức tranh kinh tế cả nước trong 6 tháng có nhiều điểm sáng, các ngành, lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến thủy sản, du lịch, điện tử… có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm có khả năng đạt kịch bản tăng trưởng đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ (5,1 - 5,7%). Ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, lạm phát được kiểm soát. Mặt bằng tỷ giá, lãi suất duy trì ổn định trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu biến động mạnh, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp, đề xuất, tham mưu tới Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Các giải pháp bao gồm những chính sách cụ thể, có thể triển khai ngay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, cũng như giải pháp, chính sách trong trung và dài hạn để giải quyết các điểm nghẽn, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng ước đạt 66% dự toán, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực thu đều đạt khá so với dự toán và NSNN bội thu. Trong đó thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh (chiếm 51% tổng thu NSNN) đạt 61% dự toán, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Đây là yếu tố quan trọng quyết định cho sự bền vững của NSNN năm 2022.

Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh nhận định, kết quả đạt được rất tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều khó khăn. Cho dù tình hình còn nhiều khó khăn, nhưng tăng trưởng của Việt Nam năm nay rất khả quan, có thể trên 7%.

Đánh giá cao khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam với nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chia sẻ tổ chức này giữ dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam là 6,6%, năm sau là 7,2%; WB nâng dự báo từ mức 5,5% ở dự báo đầu năm lên 5,8%.

Thách thức, rủi ro mới

Theo nhiều địa phương, dù kết quả 6 tháng lạc quan nhưng còn nhiều khó khăn, nổi lên là vấn đề thiếu hụt lao động; giải ngân đầu tư công, đặc biệt là ODA chậm; giá tăng làm chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh tăng rất cao… Đại diện IMF nhận định, kinh tế Việt Nam phục hồi nhưng chưa đồng đều, tiềm ẩn rủi ro tài chính, gia tăng lạm phát, giảm tăng trưởng... Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến nghị, cần lưu ý về thời gian tác dụng của vaccine; tình trạng thiếu vật tư thiết bị, nhân sự trong lĩnh vực y tế để sẵn sàng ứng phó với những biến thể Covid-19 mới trong thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, bên cạnh những dự báo tăng trưởng GDP trên dưới 6 - 6,5%, cũng bắt đầu có dự báo tăng trưởng năm nay chỉ trên dưới 5%. Mức tăng trưởng 5% của năm nay trên một nền rất thấp của năm ngoái là đà phục hồi rất chậm. Vì thế, cần xây dựng nhiều kịch bản, gồm cả kịch bản xấu hơn.

Chuyên gia kinh tế Bùi Tất Thắng khuyến nghị, đầu tiên cần xây dựng đúng tiến độ các quy hoạch, vì hiện có một số dự án lớn muốn đầu tư nhưng chần chừ chờ quy hoạch. Cần bảo đảm tiến độ đầu tư công, đồng thời cố gắng hoàn thành dứt điểm, đưa vào hoạt động các công trình dang dở nhiều năm nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho đời sống người lao động, tập trung cho các khu công nghiệp lớn. Ông Thắng cũng đề xuất nên công bố giảm thuế xăng dầu có thời hạn để giảm áp lực lên lạm phát.

Ông Đoàn Hồng Quang, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam còn dư địa tài khóa tốt hơn so với đại bộ phận quốc gia trên thế giới, nợ công thấp hơn ngưỡng rất nhiều, 6 tháng đầu năm bội thu NSNN, có thể thực thi các giải pháp tài khóa mạnh mẽ để phục hồi kinh tế nhanh hơn.

Tin cùng chuyên mục