Định danh sản phẩm hàng hóa qua e-catalogue là cách định vị thương hiệu nhà thầu hiệu quả. Ảnh: Lê Tiên |
Nâng cao trách nhiệm của nhà thầu
Bộ KH&ĐT cho biết, xây dựng danh mục e-catalogue là cơ hội tốt để chống gian lận, thúc đẩy tăng số lượng nhà cung cấp. Đây cũng là động lực để tích hợp với các hệ thống khác của Chính phủ (ví dụ như thuế, đăng ký doanh nghiệp...). Danh mục e-catalogue sẽ giúp giám sát việc mua sắm chuyên nghiệp hơn, nâng cao chất lượng về các quyết định mua sắm; công khai thông tin, có được giá tốt, giảm thiểu chi phí giao dịch… Về phía nhà thầu, e-catalogue sẽ giúp nâng cao tính công bằng và cạnh tranh, cải thiện việc tiếp cận, gia nhập thị trường mua sắm công. Với khối lượng thông tin khổng lồ từ danh mục e-catalogue, doanh nghiệp sẽ tiết giảm được nhiều chi phí giao dịch, giảm nhân sự, cải thiện được dòng tiền của doanh nghiệp; đồng thời, giúp nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất.
Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết, thế giới đang tiến dần đến đấu thầu qua mạng cho tất cả các hình thức mua sắm công, không chỉ chào hàng cạnh tranh. Do đó, việc định danh sản phẩm theo danh mục e-catalogue là yếu tố được ưu tiên phát triển. E-catalogue sẽ có tính hệ thống, hỗ trợ và tương tác rất mạnh giữa các nhà thầu và các cơ quan mua sắm. Danh mục này sẽ giúp cải tiến hơn trong các thủ tục đấu thầu nhằm dự thầu thuận lợi hơn.
Sản phẩm được định danh trên e-catalogue đem lại nhiều thuận lợi cho các nhà thầu dự thầu. Ví dụ, khi sản phẩm đã được định danh, sẽ không cần xét về bước kỹ thuật. Tuy nhiên, nhà sản xuất phải cam kết chất lượng sản phẩm. Chế tài đối với nhà cung cấp những sản phẩm đã định danh trên e-catalogue cũng đặt ở mức cao hơn, ràng buộc mạnh hơn. Do đó, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà cung cấp đối với bên mời thầu càng rõ ràng hơn. Nâng tính tự chịu trách nhiệm hơn cho nhà sản xuất. Chế tài xử lý đối với những sản phẩm không đạt chất lượng, tiến độ bàn giao quy định cho nhà thầu cũng sẽ nặng nề như việc bị cấm tham gia đấu thầu, lưu vào danh sách đen.
Xây dựng thương hiệu cho nhà thầu trong thời đại số
Trong khi đó, nhiều bệnh viện tại TP.HCM khẳng định, trong lĩnh vực y tế, vẫn có thể định danh được những thiết bị đã có tiêu chuẩn của nhà sản xuất như bông, nẹp… “Phải bắt đầu từ những định danh này (dù là rất nhỏ, giá trị thấp) để các nhà thầu nỗ lực tham gia hơn”, Sở Y tế TP.HCM cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu cho biết, định danh sản phẩm hàng hóa e-catalogue là cách định vị thương hiệu nhà thầu hiệu quả. Định danh hàng hóa là một khâu rất quan trọng đối với mọi nhà thầu. Nhà thầu CMC Sài Gòn, một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tích hợp hệ thống, Dịch vụ phần mềm, Viễn thông – Internet và Sản xuất - Phân phối các sản phẩm ICT cho biết, trung bình mỗi năm nhà thầu này tham gia hơn 1000 gói thầu trong cả nước. “Chi phí in ấn, tài liệu, đi lại, công tác phí… của việc đấu thầu mỗi năm ngốn của chúng tôi hàng tỷ đồng. Là một nhà thầu cung cấp dịch vụ trong ngành công nghệ thông tin, chúng tôi mong thực hiện nhiều hơn các gói thầu qua mạng, định danh được nhiều sản phẩm của nhà thầu Việt Nam” - đại diện CMC chia sẻ.
Trong khi đó, Công ty TNHH Toàn Á, Công ty TNHH Hữu Hồng - nhà thầu thuộc lĩnh vực sản xuất và cung cấp thiết bị dạy học, dạy nghề, đưa ra nhận định, nếu nhanh chóng xây dựng được danh mục e-catalogue, sẽ tạo điều kiện rất tốt cho các nhà thầu Việt, kể cả các nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ có thể định vị được mình trên bản đồ số về cung cấp dịch vụ. “Việc tham gia vào quá trình xây dựng danh mục sản phẩm hàng hóa là một trong những cách nhanh nhất để nhà thầu Việt Nam tham gia vào quá trình đấu thầu điện tử chuyên nghiệp. Định danh sản phẩm hàng hóa hỗ trợ tốt cho phía bên mời thầu bao nhiêu thì cũng định vị tốt cho các nhà thầu cung cấp dịch vụ bấy nhiêu” - nhà thầu Toàn Á khẳng định.