Đối diện với nợ trái phiếu tới hạn: Thương lượng là phương án tối ưu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty Đức Long Gia Lai - doanh nghiệp có tổng tài sản 5.737 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023 theo báo cáo tài chính, đang đứng trước khả năng có thể bị tuyên bố phá sản vì không thực hiện nghĩa vụ đối với khoản nợ 20 tỷ đồng. Đây là câu chuyện đáng lưu tâm với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đứng trước áp lực trái phiếu tới hạn trong bối cảnh gặp khó khăn về dòng tiền.

Từ chuyện về 2 doanh nghiệp cụ thể

Ngày 12 tháng 10 năm 2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai công bố việc mở thủ tục phá sản đối với Công ty Đức Long Gia Lai theo yêu cầu của Công ty Lilama 45.3 (mã chứng khoán L43, HNX). Thủ tục trên được tiến hành sau khi Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai quyết định thụ lý Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai (thông báo vào ngày 25/7/2023) do Công ty không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đối với khoản nợ Lilama 45.3 sau 3 tháng kể từ khi khoản nợ tới hạn thanh toán.

Theo quy định, trong vòng 30 ngày kể từ ngày 9/10/2023 các thông tin về khoản nợ sẽ phải được trình tới thẩm phán thụ lý vụ việc, nếu Tòa án Nhân dân Gia Lai nhận thấy Đức Long Gia Lai mất khả năng thanh toán đối với khoản nợ và phải tiến hành thủ tục phá sản, Đức Long Gia Lai sẽ đứng trước các khả năng bị bắt buộc thanh lý tài sản để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán.

Công ty Lilama 45.3 đã làm đúng theo các quy định tại Điều 5 Luật Phá sản để bảo vệ quyền lợi cho các chủ nợ. Về phía Đức Long Gia Lai, dường như Công ty không nhận ra được rủi ro tiềm tàng to lớn tới từ việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ cho tới khi Tòa án thông báo mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, điều này có thể xảy ra với bất cứ doanh nghiệp nào không đáp ứng được nghĩa vụ thanh toán nợ trong khoảng thời gian 3 tháng sau khi khoản nợ đáo hạn. Luật pháp bảo vệ quyền lợi của người cho vay, các trái chủ của các trái phiếu doanh nghiệp và bất cứ chủ nợ nào cũng có quyền thực hiên các biện pháp bảo vệ quyền lợi của bản thân theo các quy định pháp luật.

Mặc dù Công ty Lilama 45.3 đã làm theo luật định, nhưng việc kiện Đức Long Gia Lai ra tòa là sự lựa chọn tồi nhất trong biện pháp có thể làm để thu hồi khoản nợ. Các thống kê về xử lý đòi nợ thông qua tòa án đều cho thấy, thời gian xử lý lâu và tỷ trọng nợ thu hồi được thấp so với số tiền gốc. Dữ liệu do Công ty cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) tập hợp vào tháng 10 năm 2023 cho thấy, thời gian thông qua tòa án để thu hồi các khoản trái phiếu doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán đều lâu hơn nhiều so với thời gian xử lý thông qua thương lượng ngoài tòa án ở hầu hết các thị trường. Bên cạnh đó, việc xác lập thủ tục phá sản để thu hồi nợ chỉ có thể mang lại cho chủ nợ số tiền không quá 40% nợ gốc.

Cân nhắc chọn phương án tốt hơn

Tại Việt Nam, 6 tháng kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) được ban hành, diễn biến trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy, các tổ chức phát hành khi không đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán đều tích cực thực hiện thỏa thuận với trái chủ. Được Nghị định 08 tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thương lượng, số lượng các trái phiếu được đàm phán khắc phục tăng từ 16% tổng số trái phiếu chậm trả gốc/lãi trong tháng 2/2023 lên mức 63% vào tháng 10/2023.

Trong các lựa chọn xử lý áp dụng với trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức phát hành không đáp ứng được nghĩa vụ nợ, gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu là phương án được lựa chọn nhiều nhất, lên tới 81% tổng số trái phiếu đã được thương lượng giải quyết. Các lựa chọn khác như thanh toán nhiều lần, thanh toán bằng tài sản và thanh lý tài sản bảo đảm chỉ được thực hiện tương ứng với 15%, 2% và 2% tổng số trái phiếu đã xử lý thông qua thương lượng. Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn lên tới 36 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9/2023. Việc gia hạn trái phiếu được lựa chọn do 2 lý do. Thứ nhất là sự đơn giản trong việc thực hiện dựa trên sự đồng thuận của tổ chức phát hành và trái chủ, không cần tới sự tham gia của các tổ chức độc lập khác. Thứ hai, việc áp dụng phương pháp gia hạn trái phiếu trong đại đa số trường hợp không làm phát sinh thêm chi phí đối với tổ chức phát hành. Theo số liệu của VIS Rating, có 87% số trái phiếu gia hạn thành công trong giai đoạn 6 tháng kể từ tháng 3/2023 không phải chịu thay đổi lãi suất cuống phiếu.

Các diễn biến về thương lượng xử lý trái phiếu doanh nghiệp không trả được gốc/lãi tại Việt Nam hiện tại không có sự khác biệt lớn với các thị trường khác. Tại thị trường Trung Quốc, 53% số trái phiếu mất khả năng thanh toán được thương lượng để kéo dài thời gian đáo hạn. Trong hội thảo do Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổ chức vào tháng 6/2023, các diễn giả từ các tổ chức quốc tế (World Bank, Nomura Research Institution) và các đại diện ngân hàng từ Trung Quốc đều thống nhất quan điểm về việc xử lý trái phiếu mất khả năng chi trả thông qua thương lượng ngoài tòa án là phương pháp tốt nhất cho cả tổ chức phát hành và trái chủ.

Thương lượng gia hạn trái phiếu góp phần làm thay đổi sức ép từ việc đáo hạn trái phiếu mà các doanh nghiệp phải đối diện trong thời gian còn lại của năm 2023 và trong 2 năm tới. Đa số các trái phiếu đã được thương lượng gia hạn với kỳ hạn 2 năm, điểm này đã làm thay đổi đáng kể cấu trúc về giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong giai đoạn 2023-2026 tại thời điểm tháng 10/2023 so với thời điểm trước khi Nghị định 08 được Chính phủ ban hành. Theo số liệu của VIS Rating, có thể thấy rõ giá trị trái phiếu đáo hạn giảm trong các năm 2023-2024 và tăng trong năm 2025-2026. Điều này cũng phù hợp với nhận định, giá trị trái phiếu đối diện rủi ro mất khả năng trả gốc/lãi đã đạt đỉnh trong quý I/2023 và dự kiến giảm dần trong năm 2024.

Việc chủ động thương với trái chủ để gia hạn trái phiếu trước khi trái phiếu đáo hạn là biện pháp được nhiều tổ chức lựa chọn để tránh việc không thực hiện được nghĩa vụ nợ. Tính từ thời điểm tháng 3/2023 đến nay, có 75% trái phiếu được gia hạn trong khoảng thời gian 2 tháng trước khi trái phiếu đáo hạn. Có thể thấy, chủ nợ chủ động thương lượng với trái chủ để xử lý trái phiếu khi mất khả năng thanh toán là biện pháp có hiệu quả và có tính khả thi cao. Đây là hướng đi các doanh nghiệp cần nghĩ đến đầu tiên khi đối mặt với các nghĩa vụ nợ, thay vì phải đối mặt với việc chủ nợ sử dụng biện pháp cuối cùng như Công ty Lilama 45.3.

Từ đầu năm 2023 đến đầu tháng 10/2023, giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành mới đạt 179,5 nghìn tỷ đồng. Tính chung cả năm 2023, giá trị trái phiếu phát hành mới có thể lên tới trên 210 nghìn tỷ đồng, cho thấy, kênh trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Đặc biệt, giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng đang có sự cải thiện đáng kể. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ này là 11,6% tổng giá trị trái phiếu đã phát hành, trong khi giai đoạn 2019-2022 chỉ đạt dưới 8%. Thực tế này cho thấy, niềm tin của công chúng đối với trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang tồn tại. Nếu các bên có cách ứng xử hợp lý và hiệu quả với các khoản trái phiếu đến hạn, năm 2024 có thể sẽ là năm hồi phục của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khi áp lực vỡ nợ giảm và quy mô phát hành mới gia tăng.

Tin cùng chuyên mục