Đồng loạt khởi công 3 dự án trọng điểm hơn 115 nghìn tỷ tại phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 18/6/2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với TP.HCM, hai tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắk đồng loạt tổ chức lễ khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm phía Nam. Đó là Dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM, Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

Lễ khởi công được tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại TP.HCM (Dự án đường Vành đai 3) và kết nối với các điểm cầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu (khởi công Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu) và Đắk Lắk (khởi công Dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột).

Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là 3 dự án quan trọng quốc gia ngành GTVT. “Điều đặc biệt của 3 dự án khởi công hôm nay là đều được áp dụng cơ chế đặc thù riêng có về: đẩy mạnh phân cấp phân quyền, theo đó giao địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án; áp dụng cơ chế huy động nguồn lực cho các dự án kết hợp giữa ngân sách Trung ương và địa phương; áp dụng chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu thi công dự án, qua đó rút ngắn thời gian chuẩn bị để triển khai dự án. Cả 3 cơ chế này đều đã phát huy tối đa tác dụng, khẳng định sự đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc ban hành cơ chế mới, mạnh dạn hơn để hoàn thành mục tiêu phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết của Đảng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Để các dự án trọng điểm về đích đúng kế hoạch, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án, tiến độ thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, kịp thời, hiệu quả và tổ chức giao thông an toàn, thông suốt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án, tiến độ thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, kịp thời và hiệu quả
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án, tiến độ thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, kịp thời và hiệu quả

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,3 km, đi qua 4 địa phương: TP.HCM (47,35 km), các tỉnh: Đồng Nai (11,26 km), Bình Dương (10,76 km), Long An (6,81 km); chia làm 8 dự án thành phần, gồm: 4 dự án thành phần xây dựng, 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố. Tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, từ vốn ngân sách trung ương và các địa phương.

Dự án Vành đai 3 đi qua địa bàn TP.HCM có 2 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 sẽ xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM (bao gồm cầu Kênh Thầy Thuốc) có chiều dài 47,35 km, tổng mức đầu tư hơn 22.411 tỷ đồng. Dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành, thông xe phần cao tốc cuối năm 2025, hoàn thành toàn bộ Dự án năm 2026.

“Chính quyền và nhân dân TP.HCM quyết tâm, đồng thuận để về đích sớm nhất các công tác bàn giao mặt bằng phục vụ Dự án Vành đai 3. Đến nay, mặt bằng sạch bàn giao cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công đã đạt hơn 87% - tỷ lệ kỷ lục của dự án có quy mô đầu tư lớn nhất khu vực phía Nam giai đoạn này. Đồng thời, công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp cũng được đẩy nhanh để lựa chọn những đơn vị thi công đủ năng lực, kinh nghiệm đưa Dự án về đích đúng kế hoạch", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định.

Trong khi đó, tại điểm cầu Đắk Lắk đã diễn ra Lễ khởi công Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Dự án có tổng chiều dài khoảng 117,5 km (tỉnh Khánh Hòa 32,7 km; tỉnh Đắk Lắk 84,8 km), điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột (khoảng Km12+450), tỉnh Đắk Lắk.

Theo Bộ GTVT, giai đoạn hoàn chỉnh, Dự án có quy mô đường ô tô cao tốc thiết kế 80 - 100 km/h, giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là 21.935 tỷ đồng, chia làm 3 dự án thành phần.

Dự án thành phần 1 với chiều dài khoảng 32 km thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa, sơ bộ tổng mức đầu tư 5.632 tỷ đồng do UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 2 (Km32+000 - Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5 km thuộc địa phận 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, sơ bộ tổng mức đầu tư 9.818 tỷ đồng do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) với chiều dài khoảng 48 km thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk, sơ bộ tổng mức đầu tư 6.485 tỷ đồng do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản.

Tại điểm cầu Bà Rịa - Vũng Tàu, Lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 đã được tổ chức. Dự án có chiều dài khoảng 53,7 km (tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2 km; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 19,5 km), điểm đầu nối với tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn tránh TP. Biên Hòa, vị trí cách ngã ba Vũng Tàu 6,5 km (cách điểm giao giữa tuyến tránh Biên Hòa với Quốc lộ 51 khoảng 1,5 km); điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 56 thuộc TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, được chia làm 3 dự án thành phần và phân cấp cho Bộ GTVT, các địa phương thực hiện.

Trong giai đoạn 1, Dự án có quy mô 4 đến 6 làn xe theo từng đoạn tuyến, trong đó đoạn 1 từ điểm đầu Dự án đến nút giao Long Thành, đoạn 3 từ nút giao Tân Hiệp đến điểm cuối Dự án, quy mô 4 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường từ 24,75 m đến 27 m; đoạn 2 từ nút giao Long Thành đến nút giao Tân Hiệp quy mô 6 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường từ 32,25 m đến 34,5 m. Trong giai đoạn hoàn thiện sẽ mở rộng bảo đảm quy mô 6 - 8 làn xe cao tốc.

Phát lệnh khởi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Phát lệnh khởi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, cùng với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ phá vỡ tình trạng độc đạo của Quốc lộ 51, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng Đông Nam Bộ. Từ đó, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, để triển khai 3 dự án cao tốc trọng điểm tại khu vực phía Nam, Bộ GTVT cũng như chính quyền địa phương có dự án đi qua đã dày công chuẩn bị, phối hợp kịp thời. Tuy nhiên, đây mới là kết quả thành công bước đầu. Để đảm bảo tiến độ của các dự án, các địa phương, ban quản lý dự án, chủ đầu tư cần tăng tốc, đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng, quan tâm thực hiện tái định cư cho người dân sớm nhất có thể, đảm bảo các mỏ nguyên liệu, quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công ngay từ những ngày đầu”.

Tin cùng chuyên mục