69 dự án BOT với tổng mức đầu tư 186.481 tỷ đồng do Bộ GTVT triển khai trong giai đoạn 2011 - 2015 đều áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư. Ảnh: Tất Tiên |
Không có cạnh tranh khó có hiệu quả
Giải quyết vấn đề mức phí BOT chỉ là giải quyết cái ngọn, vì mức phí ấy được tính toán từ phương án tài chính đưa ra trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư. Nếu việc lựa chọn không có cạnh tranh, đương nhiên sẽ khó có hiệu quả cao. Nhà đầu tư được chỉ định, hợp đồng thì có điều khoản bảo mật,… Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, sự thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh này dễ tạo cơ hội cho những bản hợp đồng bất cân bằng lợi ích, chỉ nhà đầu tư được lợi.
Cạnh tranh sẽ hiệu quả hơn - nguyên tắc thị trường này là điều dễ hiểu và đúng trong hầu hết trong các hợp đồng kinh tế. Dự án BOT không phải ngoại lệ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các dự án PPP nói chung, dự án BOT nói riêng thành công là những dự án đã đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư.
Từ kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực PPP tại trên 50 quốc gia trên thế giới, ông TS Edward P.White, Chuyên gia quốc tế về PPP, cho biết, mỗi quốc gia có cách thức riêng để thực hiện dự án PPP (trong đó có hình thức BOT), tuy nhiên, quan trọng nhất là đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh. Khi có cạnh tranh, chi phí chắc chắn sẽ ở mức hợp lý hơn. Thường những dự án dễ gây rủi ro chi phí cho phía nhà nước là dự án do nhà đầu tư tự đề xuất và nhà đầu tư đó được chỉ định thực hiện luôn. Ở Ấn Độ, tỷ lệ dự án do nhà đầu tư tự đề xuất và được chỉ định thầu rất ít, chỉ chiếm 1%, còn lại chủ yếu dựa trên đấu thầu cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, mấu chốt của những vấn đề nảy sinh liên quan đến chất lượng dự án BOT giao thông, lợi ích các bên,... là do quá trình lựa chọn nhà đầu tư không có sự cạnh tranh, hầu hết đều chỉ định nhà đầu tư.
Tại sao không lựa chọn phương án hiệu quả hơn?
Đấu thầu tuy không phải là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề của dự án BOT, nhưng là phương pháp giúp thông tin về dự án BOT được công khai, minh bạch, dễ giám sát hơn. Thế nhưng, nhìn lại các dự án BOT của giai đoạn 2011 - 2015, tại sao lại chỉ định nhà đầu tư là chính?
Theo thống kê của Bộ GTVT, 69 dự án BOT với tổng mức đầu tư 186.481 tỷ đồng do Bộ GTVT triển khai trong giai đoạn 2011 - 2015 (tính đến hết tháng 7/2015) đều áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư. Các dự án BOT triển khai trước năm 2010 cũng áp dụng hình thức này.
Như vậy, việc chỉ định nhà đầu tư BOT giai đoạn qua, theo lý giải của ông Nguyễn Hồng Trường, chủ yếu là do chính nhà đầu tư không quan tâm đến dự án BOT.
Thế nhưng, thực tế trong những năm qua, dường như có một “phong trào” làm dự án BOT giao thông. “Ông trùm BOT” Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT Tasco, còn ví “BOT như máy in tiền”. Công ty của ông đã phất lên nhanh chóng nhờ đầu tư vào hàng chục dự án BOT. Nhiều nhà thầu xây dựng trở thành nhà đầu tư, đua nhau đề xuất thực hiện dự án BOT. Nếu thực hiện dự án BOT mà chỉ cần bỏ ra vài trăm tỷ đồng, khoảng trên dưới 15% tổng mức đầu tư, còn lại có thể vay ngân hàng và các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay dự án BOT, thì việc thực hiện dự án này không đòi hỏi tiềm lực doanh nghiệp quá lớn, nhiều doanh nghiệp có thể đáp ứng… Như vậy, rõ ràng các dự án BOT là thị trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Thị trường hấp dẫn, đáng lẽ tính cạnh tranh phải cao, vậy tại sao dự án BOT lại “ế”?
Một chuyên gia trong lĩnh vực này chia sẻ, sự cạnh tranh, công khai trong các dự án BOT trước đây đôi khi chỉ là bề nổi. Bởi vì, trong rất nhiều trường hợp, dự án do nhà đầu tư đề xuất và để được cơ quan nhà nước phê duyệt đề xuất, nhà đầu tư đó đã phải vận động hành lang, đã phải chi ra một khoản không nhỏ. Sau đó, việc công bố danh mục dự án để nhà đầu tư khác quan tâm cũng chỉ là hình thức, vì thông tin công bố quá sơ sài, nhà đầu tư không đủ cơ sở để lượng sức tham gia. Các nhà đầu tư khác khi không nắm chắc thông tin, không chắc có được đối xử công bằng hay không thì thường không dại gì bỏ ra một khoản tiền lớn để làm hồ sơ tham gia. Đôi khi, các nhà đầu tư lớn cũng nhìn nhau, cùng phân chia miếng bánh, cùng hưởng lợi chứ không dại gì cạnh tranh để phải giảm giá.
Để khắc phục hạn chế này, một chuyên gia về PPP của Bộ KH&ĐT cho biết, những quy định mới về PPP đòi hỏi thông tin về dự án BOT phải công khai, minh bạch và dễ giám sát hơn rất nhiều.
Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định, với trường hợp dự án do nhà đầu tư đề xuất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đề xuất, sau đó dự án được đem ra sơ tuyển. Nội dung hồ sơ mời sơ tuyển (HSMST) đã khá đầy đủ thông tin về dự án; yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư để triển khai dự án... Với cách làm này, kỳ vọng việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP sẽ rất cạnh tranh, từ đó nâng cao hiệu quả của dự án.