Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới: Nguy cơ phá sản vì doanh thu chỉ đạt 13%

(BĐT) - Mặc dù đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chấp thuận cho thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư tuyến đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 từ ngày 25/1/2018 nhưng Nhà đầu tư đang đứng trước bờ vực phá sản do doanh thu sau hơn 2 tháng vận hành chỉ bằng 13% và lượng xe lưu thông đạt 18% so với phương án tài chính ban đầu.
Dự án BOT Đầu tư tuyến đường Thái Nguyên - Bắc Kạn và Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. Ảnh: Bích Thảo
Dự án BOT Đầu tư tuyến đường Thái Nguyên - Bắc Kạn và Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. Ảnh: Bích Thảo

Lưu lượng xe chỉ đạt 18% so với phương án tài chính

Dự án BOT Đầu tư tuyến đường Thái Nguyên - Bắc Kạn và Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 có tổng chiều dài 65 km, có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó, đoạn Thái Nguyên - Bắc Kạn được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, dài 40 km, bề rộng nền đường 12m. Dự án được thông xe vào tháng 3/2017 nhưng đến ngày 25/1/2018 mới chính thức được thu giá tại 1 trong 2 trạm thu giá đã xây. Theo phương án tài chính ban đầu, Dự án được đặt 2 trạm thu giá (1 trạm trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới, 1 trạm trên tuyến Quốc lộ 3 cũ). Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối của một số người dân địa phương và UBND tỉnh Thái Nguyên, Dự án hiện chỉ thu giá tại 1 trạm đặt trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, sau 2 tháng thu giá, tính đến ngày 24/3/2018, tổng số tiền thu được tại trạm thu giá này là 4.535 triệu đồng, trung bình mỗi ngày thu 76 triệu đồng, chỉ bằng 13% so với phương án tài chính hoàn vốn Dự án (594 triệu đồng/ngày). Lưu lượng xe trên thực tế qua trạm thu giá tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới chỉ đạt 1.720 xe/ngày, đạt 18% so với phương án tài chính là 9.397 xe/ngày.

Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cho biết, doanh thu tại trạm thu giá này hiện quá thấp so với phương án tài chính đề ra. Do đó, việc thu giá hoàn vốn của Dự án gặp rất nhiều khó khăn và nguy cơ phá sản đang hiện hữu nếu doanh số không được cải thiện. Nguyên nhân của tình trạng này là do mới chỉ thu giá được 1 trong số 2 trạm so với kế hoạch ban đầu và hầu hết các phương tiện chọn Quốc lộ 3 mở rộng để đi do đường đã được Liên danh nhà đầu tư nâng cấp mà lại không bị thu giá. Ông Đức cũng cho biết, hiện nay, hàng tháng riêng tiền lãi, Nhà đầu tư đã phải trả ngân hàng 16,5 tỷ đồng, chưa kể tiền trả gốc và các chi phí vận hành, khai thác cho Dự án. 

Lời giải nào cho bài toán khó?

Trong quyết định đồng ý cho Nhà đầu tư thu giá tại trạm thu giá trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới từ ngày 25/1/2018, Bộ GTVT nêu rõ, sau 3 tháng kể từ ngày bắt đầu thu giá, trên cơ sở kiểm đếm lưu lượng phương tiện và xác định được doanh thu thực tế, Nhà đầu tư tính toán lại phương án tài chính, khả năng hoàn vốn của Dự án, báo cáo Bộ GTVT phương án giải quyết tổng thể.

Mặc dù còn 20 ngày nữa thì thời gian vận hành thu giá hoàn vốn làm cơ sở cho việc tính toán lại phương án tài chính tuyến BOT Thái Nguyên - Chợ Mới mới kết thúc, nhưng việc đưa ra phương án giải quyết tổng thể cho bài toán này là nan giải trong bối cảnh hiện nay.

Chiều ngày 3/4/2018, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số chuyên gia cầu đường cho rằng, việc đưa ra một lời giải thấu đáo, hài hòa được lợi ích giữa các bên trong Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới không phải là điều dễ dàng. Rõ ràng, ban đầu Dự án có 2 trạm thu phí (giá) nhưng trên thực tế chỉ vận hành thu phí 1 trạm thì không thể đảm bảo phương án tài chính thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư được. Việc lưu lượng xe trên thực tế chạy qua trạm đạt thấp cũng có thể là do việc khảo sát, thẩm định lưu lượng xe ban đầu trong phương án tài chính không chính xác, sau đó đưa Dự án ra mời chào nhà đầu tư, trong quá trình thực hiện thấy bất cập thì đơn phương “nắn” hợp đồng... khiến cho dự án BOT này có nhiều nguy cơ, hệ lụy và phản ứng dây chuyền không tốt, tiềm ẩn nhiều khoản nợ xấu phát sinh cho Nhà nước. 

Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, cần phải tính toán lại phương án tài chính cho Dự án, có phương án hợp lý hỗ trợ Nhà đầu tư hoàn vốn. Tuy nhiên, trong cơ chế thực hiện dự án BOT, cần phải tôn trọng và để người dân có sự lựa chọn, không nên tận thu bằng cách đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 3 cũ bởi vốn dĩ đây là đường làm bằng tiền ngân sách nhà nước, việc nâng cấp, sửa chữa nên sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ chứ không nên kêu gọi nhà đầu tư tham gia.