Dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 1, Đắk Lắk: “Cửa hẹp” cho nhà thầu ngoại tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu) vừa hoàn tất lựa chọn nhà thầu thực hiện 2 gói thầu xây lắp thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 1 đoạn từ cầu Buôn Ky, TP. Buôn Ma Thuột đến Km49+00 (tổng mức đầu tư 1.053 tỷ đồng). Hợp đồng 2 gói thầu đều được trao cho các nhà thầu địa phương, do đối thủ bị loại từ vòng ngoài bởi yêu cầu liên quan đến nguồn vật liệu thi công.
Hợp đồng 2 gói thầu thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 1 đoạn từ cầu Buôn Ky, TP. Buôn Ma Thuột đến Km49+00 đều được trao cho các nhà thầu địa phương, do đối thủ bị loại từ vòng ngoài bởi yêu cầu liên quan đến nguồn vật liệu thi công. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Hợp đồng 2 gói thầu thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 1 đoạn từ cầu Buôn Ky, TP. Buôn Ma Thuột đến Km49+00 đều được trao cho các nhà thầu địa phương, do đối thủ bị loại từ vòng ngoài bởi yêu cầu liên quan đến nguồn vật liệu thi công. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tại Gói thầu số 02 Thi công xây dựng đoạn từ Km0+00 - Km29+00, Liên danh Công ty TNHH An Nguyên - Công ty TNHH MTV Xây dựng 470 - Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Hoàng Nam trúng thầu với giá 515,68 tỷ đồng, giảm giá 0,04% sau đấu thầu.

Tại Gói thầu số 03 Thi công xây dựng đoạn từ Km29+00 - Km49+00, Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn - Công ty TNHH Xây dựng số 6 Kon Tum - Công ty TNHH Xây dựng Phú Thịnh được trao hợp đồng với giá trúng thầu 340,204 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá đạt 0,09%.

Cùng tham dự cả 2 gói thầu, Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng được đánh giá đạt năng lực, kinh nghiệm khi đáp ứng cơ bản các yêu cầu về doanh thu, nguồn lực tài chính, nhân sự, thiết bị, thậm chí đề xuất thời gian thi công ngắn hơn so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT). Tuy nhiên, nhà thầu này bị loại tại bước đánh giá về kỹ thuật bởi các yêu cầu về nguồn cung vật liệu thực hiện Gói thầu.

Cụ thể, đối với vật liệu cát, đá, đất đắp, Nhà thầu đề xuất hợp đồng nguyên tắc cung ứng đất đắp ký với mỏ đá xây dựng Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột), tuy nhiên, trữ lượng đất mỏ này được phép khai thác tối đa là 54.450 m3, trong khi Nhà thầu cùng lúc tham dự 2 gói thầu thuộc Dự án, với tổng nhu cầu đất đắp trên 200.000 m3.

Đối với vật liệu bê tông xi măng, Tổng công ty 319 đề xuất xây dựng trạm trộn riêng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát, Bên mời thầu cho biết, ngày 15/12/2022, UBND huyện Buôn Đôn đã có văn bản không chấp thuận cho Nhà thầu lắp dựng trạm bê tông nhựa tại Km12+00 Tỉnh lộ 1, do cho rằng việc lắp đặt sẽ ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Tổng công ty 319 cho biết, do không đồng thuận với kết luận đánh giá nêu trên, Nhà thầu đã có văn bản gửi Chủ đầu tư cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu. Về yêu cầu sở hữu trạm trộn bê tông được hiểu rằng nhà thầu có đề xuất phương án lắp dựng và phương án này sẽ dần được chi tiết hóa về sau, bởi các thủ tục pháp lý để làm cơ sở lắp dựng trạm, trong đó bao gồm báo cáo đánh giá tác động môi trường đều là những thủ tục không thể hoàn tất chỉ trong khoảng thời gian phát hành HSMT.

Theo tìm hiểu, Tổng công ty 319 là đơn vị xây lắp đến từ Hà Nội. Giai đoạn 2019 - 2021, Tổng công ty ghi nhận doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng ở mức 2.796,112 tỷ đồng/năm. Hiện tại, doanh nghiệp này cùng lúc triển khai thi công hàng loạt công trình trọng điểm, quy mô lớn như: Gói thầu số 26 và 27 thuộc Dự án Trung tâm chính trị - hành chính, hệ thống giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm, TP. Hải Phòng (tổng giá trị hợp đồng hơn 1.100 tỷ đồng); Gói thầu số 11-XL thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 - đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (giá chỉ định thầu 5.232,682 tỷ đồng); Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc (2.544,845 tỷ đồng)...

Về phía nhà thầu trúng thầu, 6 thành viên thuộc 2 liên danh đều có trụ sở tại Đắk Lắk, từng được công bố trúng nhiều gói thầu trọng điểm do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk mời thầu. Đơn cử, trong 1 tháng trở lại đây, Công ty TNHH An Nguyên một mình tham dự và trúng 3 gói thầu xây lắp thuộc các dự án: Đường giao thông liên huyện Cư M’gar - Ea Hleo (đoạn từ xã Ea K’pam đi xã Ea Kuếh, huyện Cư M’gar); Nâng cấp đường giao thông liên huyện Cư M’gar - Ea Súp; Nâng cấp Tỉnh lộ 9 đoạn km0+00 - Km20+300, với tổng giá trị trúng thầu trên 456 tỷ đồng. Cùng tại chủ đầu tư này, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn đang thực hiện các hợp đồng: Gói thầu Thi công đường giao thông liên huyện Krông Năng đi Ea Hleo; Gói thầu Mở rộng đường vào khu du lịch cụm thác Dray Sáp Thượng và Dray Nur, huyện Krông Ana; Gói thầu Xây dựng đường trục chính vào vùng Dự án Ổn định dân di cư tự do thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, với tổng giá trị khoảng 287 tỷ đồng.

Tại Gói thầu số 01 cùng thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 1 đoạn từ cầu Buôn Ky, TP. Buôn Ma Thuột đến Km49+00 (giá dự toán 82,35 tỷ đồng), Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Hoàng Nam tiếp tục có cơ hội được trao hợp đồng khi là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu.

Tin cùng chuyên mục