Dự án cảng Liên Chiểu: Đà Nẵng “chơi lớn”, nhắm tới nhà đầu tư mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề nghị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chấp thuận phương án kêu gọi đầu tư các khu bến trong quy hoạch cảng Liên Chiểu mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đề xuất đầu tư một lần cho toàn bộ khu cảng (có phân kỳ đầu tư theo quy hoạch). Đề xuất này được lý giải là nhằm chọn được nhà đầu tư có năng lực mạnh đầu tư, quản lý và khai thác đồng bộ cảng Liên Chiểu.
Phối cảnh Dự án cảng Liên Chiểu
Phối cảnh Dự án cảng Liên Chiểu

Trước đó, UBND TP. Đà Nẵng đã trình 2 phương án đầu tư đến các bộ, ngành và Chính phủ. Theo đó, phương án 1 là triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư 2 bến cảng container trong giai đoạn đầu với tổng chiều dài cầu cảng 750m, các bến cảng tiếp theo sẽ được triển khai sau. Phương án 2 là triển khai đầu tư một lần cho toàn bộ khu bến cảng (phân kỳ đầu tư).

Việc đề xuất phương án 2, theo UBND TP. Đà Nẵng, là nhằm chọn được nhà đầu tư có năng lực mạnh đầu tư, quản lý và khai thác đồng bộ bến cảng Liên Chiểu, đảm bảo các mục tiêu: cụ thể hoá quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, giải quyết các bất cập trong việc kêu gọi đầu tư từng phần cảng biển tương tự một số dự án đã triển khai trong thời gian qua.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng lý giải, việc đề nghị Bộ KH&ĐT và Chính phủ chấp thuận phương án đầu tư nhằm sớm hoàn thành đầu tư cảng Liên Chiểu trở thành cảng đặc biệt, cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực duyên hải miền Trung. Trong báo cáo đề nghị nêu rõ, tổng diện tích quy hoạch các khu bến trong cảng Liên Chiểu là 288,33 ha, bao gồm phần xây dựng công trình và khu nước trước bến neo đậu tàu nhằm đảm bảo công suất cả hàng tổng hợp, rời khoảng 17 - 19 triệu tấn/năm; hàng container khoảng 5,2 - 5,8 triệu tấn/năm.

Dự án đầu tư tổng thể được chia thành 2 dự án thành phần, bao gồm: Dự án thành phần 1 (Hợp phần A) Phần cơ sở hạ tầng dùng chung xây dựng 920m đê chắn sóng nối tiếp 1.070m đê chắn sóng đang triển khai xây dựng; xây dựng luồng tàu, vũng quay, khu nước kết nối đáp ứng cho tàu đến 200 nghìn tấn; đầu tư hệ thống giao thông kết nối giữa các khu bến; đầu tư 1 bến hàng lỏng (cập tàu được 2 bên) phục vụ công tác di dời các bến xăng dầu trong vịnh Liên Chiểu.

Đối với Dự án thành phần 2 (Hợp phần B) bao gồm bến cảng và kết cấu hạ tầng cảng biển, gồm 8 bến container, tổng chiều dài bến 2.750m cho tàu từ 50 nghìn tấn đến 200 nghìn tấn; 6 bến tổng hợp và hàng rời có chiều dài bến 1.550m tiếp nhận tàu 50 nghìn tấn đến 100 nghìn tấn; bến cho tàu thủy nội địa có chiều dài bến 1.230m tiếp nhận tàu đến 5 nghìn tấn. Trong khi đó, hậu phương cảng được đầu tư đồng bộ các kho, bãi cảng, các hạng mục công trình phụ trợ khác như văn phòng điều hành, nhà dịch vụ, xưởng sửa chữa, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị đảm bảo hoạt động khai thác cảng. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 55.685 tỷ đồng, trong đó Hợp phần A sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (khoảng 6.955 tỷ đồng), Hợp phần B sử dụng nguồn vốn của nhà đầu tư để triển khai thực hiện (khoảng 48.729 tỷ đồng).

Về lộ trình đầu tư, theo đề xuất, giai đoạn 1 (năm 2023 - 2030) đưa vào khai thác 4 bến container; giai đoạn 2 (năm 2030 - 2040) xây dựng thêm 3 bến tổng hợp, 4 bến container, 5 bến cho tàu SB; giai đoạn 3 (đến năm 2045) đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch. Ở giai đoạn 1, tiến độ góp vốn và huy động vốn xây dựng bến cảng và hạ tầng cảng biển từ 2024 - 2027 nhà đầu tư phải có 1.457,19 tỷ đồng vốn tự có và 8.257,41 tỷ đồng huy động từ tổ chức tín dụng.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, những lợi ích có thể lượng hoá được (các khoản thu ước tính) khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động bao gồm: thu thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu khoảng 4,8 nghìn tỷ đồng/năm 2030; 17,1 nghìn tỷ đồng/năm 2040; 25,8 nghìn tỷ đồng năm 2050. Thu phí hàng hải, lệ phí ra vào cảng biển… khoảng 230 tỷ đồng/năm.

Về nhà đầu tư, UBND TP. Đà Nẵng đề xuất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có năng lực mạnh để đầu tư, quản lý, khai thác đồng bộ các bến cảng Liên Chiểu theo quy hoạch. “Chọn được nhà đầu tư mạnh sẽ bảo đảm xây dựng cảng này trở thành cảng trung chuyển quốc tế, sớm đưa khu vực Liên Chiểu thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Cùng với đó, tạo lợi thế cạnh tranh thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp logistics có thương hiệu về cảng Liên Chiểu nhằm hình thành một trung tâm cảng biển, logistics của cả nước, phục vụ xuất nhập khẩu và trung chuyển; thực hiện mục tiêu phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn và xây dựng TP. Đà Nẵng thành trung tâm logistics của miền Trung và cả nước”, ông Lê Trung Chinh cho biết.

Để cảng Liên Chiểu phát huy tối đa công năng, trở thành đầu mối giao thương hàng hoá bằng đường biển cho khu vực và cả nước, các chính sách, cơ chế đặc thù mà Đà Nẵng đề xuất Chính phủ và Quốc hội cho phép được thí điểm là thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Tại khu thương mại tự do, Đà Nẵng định hướng đầu tư xây dựng và kinh doanh phân khu thương mại, khu dịch vụ y tế, khu dịch vụ giáo dục và dịch vụ bổ trợ khác tại Khu đô thị Sườn đồi, quy mô vốn trên 6.000 tỷ đồng; đầu tư xây dựng và kinh doanh phân khu sản xuất - logistics gắn với cảng Liên Chiểu và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, quy mô vốn trên 6.000 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục