Dự án cầu Rạch Miễu 2: Chốt gói thầu mới, chờ đợi gỡ khó mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau gần 1 năm phát lệnh khởi công, Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre với tổng mức đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng đang có tiến độ rất chậm. Đến nay nhiều phạm vi vẫn chưa có mặt bằng, hoặc mặt bằng không đủ điều kiện để tiến hành thi công.
Phối cảnh cầu Rạch Miễu 2. Ảnh: Ban quản lý dự án Mỹ Thuận
Phối cảnh cầu Rạch Miễu 2. Ảnh: Ban quản lý dự án Mỹ Thuận

Ngày 10/2/2023, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu XL-2 Xây dựng cầu dây văng Rạch Miễu 2 (phạm vi giữa 2 trụ neo) Km5+913 - Km6+423 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) và đảm bảo an toàn giao thông thủy cầu Rạch Miễu 2 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre. Gói thầu có giá 1.270.296.356.000 đồng được trao cho Liên danh Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương - Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C (Liên danh Trung Nam E&C - Trung Chính - Đạt Phương - Trung Nam 18), với giá trúng thầu 1.268.718.072.018 đồng.

Như vậy, Dự án sắp hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp chính. Đến nay, chỉ còn duy nhất Gói thầu XL-03 Xây dựng nhịp dẫn và đường đầu cầu Rạch Miễu 2 (Km5+080 - Km5+913 và Km6+423 - Km7+260) với giá dự toán 581.478.698.000 đồng đang trong thời gian xét thầu. Hai gói thầu XL-2 và XL-3 dự kiến được ký hợp đồng trong tháng 2/2023 này.

Dự án có tổng mức đầu tư 5.175,127 tỷ đồng, khởi công từ ngày 29/3/2022. Tuy nhiên, tiến độ của Dự án hiện được Bộ Giao thông vận tải đánh giá là rất chậm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng ở cả hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, về tình hình triển khai thi công, tiến độ tổng dự án đến nay đạt bình quân 12,88% (đối với các gói đã khởi công). Về công tác giải ngân, tích lũy giải ngân từ đầu dự án đến nay đạt 1.744,753 tỷ/2.182 tỷ đồng tổng vốn (đạt 80%).

Đại diện chủ đầu tư cho biết thêm, đến nay Dự án đã bàn giao mặt bằng được 9,56/17,6 km, tương đương 54,3%, trong đó Tiền Giang đã bàn giao 2,18/7,95 km tương đương 27,4%, phía Bến Tre đã bàn giao được 7,38/9,65 km (76,5%).

Gói thầu XL-01 mới bàn giao được 0,34/5,08 km. Tại gói thầu này, phần phạm vi đất công, lòng sông đều vướng mắc, chưa đủ điều kiện thi công, vướng 1 đường dây 110kV. Tại Gói thầu XL-04 (phía Tiền Giang), đã bàn giao 0,45/0,69 km, hiện còn vướng 13/46 hộ, hạ tầng điện nước đều chưa di dời. Gói thầu XL-05 đã bàn giao 4,02/4,62 km, nhưng vẫn còn 22/237 hộ chưa di dời, hạ tầng điện nước, trạm BTS, 2 vị trí trung thế cũng chưa giải tỏa. Gói thầu XL-06 đã bàn giao 3,03/4,7 km, hiện còn vướng tới 125/305 hộ chưa di dời, toàn bộ hạ tầng điện nước chưa thể dứt điểm. “Chỉ có duy nhất Gói thầu XL-04 (phía Bến Tre) đã bàn giao 0,33/0,33 km, đạt 100%, đáp ứng yêu cầu”, đại diện Chủ đầu tư cho biết.

Từ phía địa phương, hàng loạt khó khăn liên quan đến mặt bằng gần như đều vượt thẩm quyền xử lý dẫn tới kéo dài thời gian bàn giao cho đơn vị thi công. Theo UBND tỉnh Bến Tre, thực tế chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tại địa phương tăng cao so với ban đầu là hơn 89 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại tỉnh Tiền Giang, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 822,31 tỷ đồng, đến nay đã chi trả gần 500 tỷ đồng, cho 360/922 hộ. Hiện mới có 238/922 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình bàn giao mặt bằng với diện tích 47.607,3 m2, đạt 23,7%. Ông Võ Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang cho biết, số hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án tăng cao ngoài tính toán. Theo khung chính sách chỉ có 772 hộ dân bị ảnh hưởng, nhưng sau khi kiểm đếm, đo đạc thì tăng thêm 150 hộ dân. Bên cạnh đó, mốc giải phóng mặt bằng cắm ngoài thực địa có sai lệch so với hồ sơ giao nhận. Đến nay mới chuẩn bị lựa chọn nhà thầu thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Tin cùng chuyên mục