Chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng thực tế của Dự án Đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 tăng mạnh so với chi phí được duyệt. Ảnh: MT |
5 trong số 6 gói thầu đang chậm
Cập nhật số liệu đến hết tháng 7/2023, tổng giá trị sản lượng thi công cầu Rạch Miễu 2 là 800,907 tỷ đồng, đạt 24,25% kế hoạch, chậm 1,21%.
Cụ thể, Gói thầu XL-01 Km0+000 - Km5+080 (5 km) và cầu Xoài Hột đã bàn giao mặt bằng được 1,84 km/5,08 km (36,2%, bao gồm cả phần dưới nước). Lũy kế sản lượng là 3,27 tỷ đồng, đạt 1,19%, chậm 2,16% so với kế hoạch. Hiện nhà thầu mới triển khai thi công phần đường, phần cầu chưa thể triển khai do chưa có mặt bằng.
Tại Gói thầu XL-02 Cầu chính dây văng Rạch Miễu 2 (phạm vi giữa 2 trụ neo) Km5+913 - Km6+423, lũy kế sản lượng là 220,69 tỷ đồng, đạt 17,39%, chậm 0,9%. Đến nay, các nhà thầu thi công xong 4/6 cọc. Hiện đang lắp đặt thép bệ trụ tháp P20 và P19; trụ P21 đang lắp đặt hệ đà giáo...
Tại Gói thầu XL-03 Xây dựng nhịp dẫn và đường đầu cầu Rạch Miễu 2 (Km5+080 Km5+913 và Km6+423 Km7+260), lũy kế sản lượng là 58,71 tỷ đồng, đạt 10,15%, chậm 1,18%. Đến nay đã bàn giao mặt bằng được 0,76 km tuyến chính (đạt 45,5%, bao gồm cả phần dưới nước). Các nhà thầu thi công đạt 81/299 cọc; đã đào vét hữu cơ, thi công vải địa đường và đắp cát đường dẫn sau mố.
Gói thầu XL-04 Cầu vượt sông Mỹ Tho và đường đầu cầu (Km7+260 - Km8+281) hiện đã bàn giao mặt bằng được 0,97 km tuyến chính (đạt 95%, bao gồm cả phần dưới nước). Lũy kế sản lượng là 188,92 tỷ đồng, đạt 53,78%, chậm 4,19%.
Gói thầu XL-05 Km8+281 - Km12+900 (4,6 km), cầu Ba Lai và cầu Tam Sơn, được khởi công từ năm 2022, nhưng đến nay trên tuyến còn nhiều công trình hạ tầng chưa di dời. Dù vậy, nhà thầu đã nỗ lực thi công với sản lượng lũy kế 226,9 tỷ đồng, đạt 52,96%, vượt 2,48% so với kế hoạch.
Gói thầu XL-06 Km12+900 - Km17+604.98 (4,7 km), cầu Sông Mã có lũy kế sản lượng là 102,42 tỷ đồng, đạt 25,56%, chậm 2,89%.
Về công tác giải ngân, Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, kế hoạch vốn năm 2023 là 1.450 nghìn tỷ đồng; trong đó GPMB là 625,464 tỷ đồng, xây lắp là 796,736 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân năm 2023 đến nay là 1.295,7/1.450 tỷ đồng, đạt 89,3 % kế hoạch vốn, đáp ứng yêu cầu.
Cần đẩy nhanh GPMB và thủ tục điều chỉnh
Theo Chủ đầu tư, vướng mắc GPMB đang trực tiếp kéo giảm tiến độ chung của Dự án. Cụ thể, tỉnh Bến Tre bàn giao được 8,95 km (khoảng 92,7%). Tỉnh Tiền Giang mới bàn giao được 3,75 km (khoảng 47,17%). “Phạm vi bàn giao mặt bằng không liên tục, “xôi đỗ” gây khó khăn cho công tác tổ chức thi công. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, thông tin liên lạc…) chậm di dời làm ảnh hưởng đến công tác thi công bấc thấm, đắp gia tải”, Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết.
Trong khi đó, các địa phương cho biết, nguyên nhân chậm GPMB là do kinh phí đền bù thực tế hiện nay tăng rất lớn. Ban đầu, chi phí GPMB được duyệt là 1.279 tỷ đồng (Tiền Giang là 822 tỷ đồng, Bến Tre là 457 tỷ đồng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã bố trí đủ vốn). Sau khi hoàn chỉnh phương án tổng thể, chi phí GPMB hiện tại do Ban QLDA Mỹ Thuận trình là 2.670 tỷ đồng, tăng khoảng 1.391 tỷ đồng (Tiền Giang tăng 1.035 tỷ đồng; Bến Tre tăng 356 tỷ đồng). Cùng với đó là vướng mắc về thủ tục bố trí vốn bổ sung, dẫn đến công tác bàn giao mặt bằng dự kiến kéo dài sang quý IV/2023, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các đường dẫn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Để nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ Dự án, Bộ GTVT cho biết đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư đính kèm hồ sơ hoàn thiện theo báo cáo thẩm định nội bộ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã có báo cáo thẩm định. Hiện nay Ban QLDA Mỹ Thuận đang phối hợp với cơ quan tham mưu giải trình nội dung góp ý của các bộ và hoàn thiện hồ sơ theo báo cáo thẩm định của Bộ KHĐT.