Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức : Cần sớm có giải pháp gỡ vướng và xử lý trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ủy ban Xã hội (UBXH) của Quốc hội khóa XV vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hà Nội gửi tới Quốc hội sau Kỳ họp thứ 5 về đề nghị Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát một số bệnh viện đã xây dựng nhiều năm nhưng hoạt động không hiệu quả như Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Phủ Lý (Hà Nam)...
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Ghi nhận ý kiến của cử tri TP. Hà Nội, UBXH cho biết, Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, làm việc với Chính phủ và Bộ Y tế để thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 và sớm có giải pháp đối với những vướng mắc, khó khăn và xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm sai sót trong quá trình lập và triển khai dự án đầu tư ở một số bệnh viện được xây dựng nhưng hoạt động không hiệu quả.

Theo UBXH, qua theo dõi và làm việc với Bộ Y tế, Thường trực Ủy ban thấy rằng, tại thời điểm năm 2014, trước yêu cầu giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại TP.HCM, trong đó có 2 dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức do Bộ Y tế làm chủ đầu tư. Ngày 21/10/2018, khu khám bệnh của 2 cơ sở này đã chính thức được khánh thành. Tuy nhiên, sau đó chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020 và thông báo tạm thời dừng hoạt động do một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, cơ sở vật chất và nhân lực. Sau đó, khu khám bệnh này từng được trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng Covid-19.

Năm 2022, Quốc hội đã tổ chức giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 và ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong đó, Quốc hội đã giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc các cơ quan tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết và tổ chức giám sát việc xử lý 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí, trong đó có một số bệnh viện đã xây dựng nhiều năm nhưng hoạt động không hiệu quả của Bộ Y tế (2 dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức trên địa bàn tỉnh Hà Nam), và một số địa phương (Bệnh viện chuyên khoa Tâm thần Bình Dương, Bệnh viện đa khoa 1.500 giường Bình Dương)… Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí trong năm 2023 (Khoản 2 Điều 4).

Theo tìm hiểu, mặc dù cả 2 dự án đầu tư cơ sở 2 của các bệnh viện tuyến Trung ương nêu trên đã hoàn thành phần lớn khối lượng công việc (đạt từ trên 86% đến 97,8%) nhưng do vướng mắc về cơ chế thanh toán phần khối lượng phát sinh cho nhà thầu đã trúng thầu và thi công gói thầu EPC, vì việc điều chỉnh thiết kế cơ sở sau đấu thầu làm vượt tổng mức đầu tư của dự án, giá trúng thầu, trong khi pháp luật hiện chưa có quy định về cơ chế thanh toán trong trường hợp điều chỉnh như vậy.

Trước những khó khăn, vướng mắc của các dự án nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan làm Tổ trưởng để rà soát, đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện các dự án, thủ tục pháp lý, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện và các khó khăn vướng mắc khác. Bộ Y tế đã họp bàn nhiều lần với các bộ, ngành liên quan và báo cáo Lãnh đạo Chính phủ để tìm hướng giải quyết thống nhất. Thực tế đang tồn tại nhiều ý kiến khác nhau như một số ý kiến cho rằng, nên cho phép nhà thầu tiếp tục thực hiện dự án, chấp nhận nội dung thanh toán theo hợp đồng; nhưng một số khác lại đề nghị, để nhanh chóng đưa các bệnh viện này vào sử dụng, nên chấm dứt hợp đồng với nhà thầu cũ, tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu mới thi công phần còn lại. Mới đây nhất, vào ngày 11/8/2023, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ về phương án giải quyết vướng mắc của 2 dự án trên.

Tin cùng chuyên mục