Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu và xây dựng mới nhánh nối với đường trục Nam - Bắc có tổng mức đầu tư hơn 919 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Trước đó, Tỉnh đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư với kỳ vọng thu hút nguồn vốn tư nhân phát triển dự án này.
Liên danh trúng gói thầu hơn 661 tỷ đồng
Gói thầu số 01 Xây dựng tuyến đường từ Km0 - Km22+200 và hệ thống chiếu sáng, nút giao, cây xanh, hệ thống thoát nước, bó vỉa, vuốt nối với các đường dân sinh, hệ thống báo hiệu, xây mới nhánh nối đường trục Nam - Bắc đảo với đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu và cải tạo, mở rộng 3 cầu (Cửa Cạn, Rạch Cóc, Vũng Bầu) thuộc dự án nói trên.
Theo KQLCNT vừa được công bố, Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng - Công ty TNHH Thiên Thanh trúng thầu với giá trúng thầu là 661,699 tỷ đồng. Giá gói thầu được phê duyệt là 662,018 tỷ đồng. Loại hợp đồng theo đơn giá cố định với thời gian thực hiện hợp đồng là 500 ngày.
Trong Liên danh trúng thầu, ngoài hai nhà thầu lớn thuộc Bộ Quốc phòng, có một nhà thầu đến từ Kiên Giang là Công ty TNHH Thiên Thanh. Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, trong khoảng thời gian từ năm 2016 - 2019, Thiên Thanh đã trúng tổng cộng 25 gói thầu, chủ yếu tại hai địa phương là Kiên Giang và TP. Cần Thơ. Gói thầu lớn nhất trước đây mà Thiên Thanh từng trúng là Gói thầu Thi công xây dựng các hạng mục kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật, chi phí hạng mục chung thuộc Dự án Đầu tư xây dựng nhà chỉ huy, nhà ở cơ quan và các đơn vị thuộc Trung đoàn 152/Quân khu 9 (giai đoạn 1) trị giá hơn 61 tỷ đồng.
Khó huy động vốn tư nhân
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, tính đến hết năm 2017, trên địa bàn Tỉnh có 2 dự án kết cấu hạ tầng giao thông đầu tư theo phương thức PPP, bao gồm 1 dự án BOT và 1 dự án BT.
Dự án BOT là Dự án Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc với tổng mức đầu tư là 1.644,728 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn BOT là 493,418 tỷ đồng (nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện Dự án, thu hồi vốn thông qua thu phí); vốn ngân sách nhà nước là 1.151,310 tỷ đồng (ngân sách trung ương là 476,972 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 674,338 tỷ đồng).
Tháng 6/2018, UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án này. Theo đó, tổng vốn đầu tư Dự án là hơn 1.461 tỷ đồng. Nhà đầu tư tự thu xếp nguồn vốn hợp pháp để thực hiện, đảm bảo vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư Dự án. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án là chỉ định thầu.
Mục tiêu của Dự án là đáp ứng nhu cầu lưu thông ngày càng tăng cho khu vực phía Bắc đảo Phú Quốc và việc xây dựng mới nhánh nối với đường trục Nam - Bắc sẽ giảm áp lực giao thông qua khu trung tâm đô thị Dương Đông, đồng thời kết nối thuận tiện giữa trục giao thông xuyên đảo với tuyến ven biển phía Tây.
Tuy nhiên, dường như quỹ đất thanh toán chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Dự án sau điều chỉnh có tổng mức đầu tư là 919,627 tỷ đồng với tổng cộng 11 gói thầu. Sau khi không thu hút được vốn tư nhân, Dự án sử dụng vốn ngân sách tỉnh (từ nguồn tăng số thu tiền sử dụng đất bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 50 tỷ đồng, còn lại bố trí giai đoạn 2021 - 2025).