Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao từ Nhổn đến Kim Mã và 4 km ngầm từ Kim Mã đến ga Hà Nội. Ảnh: NC st |
Tiết kiệm 25% so với giá gói thầu
Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, Gói thầu CP 03 được thực hiện từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), có giá hơn 6.950 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế VAT và dự phòng phí). Dự toán Gói thầu được duyệt là hơn 9.669 tỷ đồng (gồm thuế VAT, không bao gồm dự phòng phí). Giá trúng thầu của gói thầu này là 6.500 tỷ đồng. Như vậy, so với giá gói thầu được duyệt, giá trúng thầu của gói thầu này đã giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước tới gần 3.170 tỷ đồng (tương đương 25% giá gói thầu được duyệt).
Nếu tạm tính, suất đầu tư của 1m thực hiện thi công đào hầm (không tính phần xây dựng 4 ga) của gói thầu này sẽ là hơn 1 tỷ đồng. Phạm vi của Gói thầu được xác định từ điểm trước Đền Voi Phục đến Ga đường sắt Hà Nội (chiều dài 4 km), trong đó bao gồm 4 ga ngầm: S9 (Ga Kim Mã), S10 (Ga Cát Linh), S11 (Ga Văn Miếu), S12 (Ga Hà Nội).
Các hạng mục công trình chính của Gói thầu gồm: Thiết kế kỹ thuật thi công; chuẩn bị công trường thi công cho bãi đúc đối với các phân đoạn hầm, chuẩn bị hiện trường cho máy đào hầm (TBM) và các kết cấu đào mở. Thi công 4 kết cấu ga ngầm và kết cấu đường chuyển làn, khu vực đỗ tàu…
Liên danh nhà thầu thi công khẳng định, người dân Thủ đô có thể hoàn toàn tin tưởng rằng họ có đủ năng lực và kinh nghiệm để thi công gói thầu nhiều thách thức trên theo đúng cam kết với MRB.
Hơn 4 năm để chọn 1 nhà thầu
Trưởng ban MRB Nguyễn Quang Mạnh cho biết, vì Gói thầu có tính chất phức tạp nên quá trình lựa chọn nhà thầu hết sức khó khăn, yêu cầu đòi hỏi thưc hiện quy trình đấu thầu phải chính xác, cẩn trọng và minh bạch.
Để chuẩn bị cho công tác lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế có sơ tuyển, MRB đã đăng tải công khai thông báo kế hoạch lựa chọn nhà thầu trên trang web của đơn vị và Báo Đấu thầu vào tháng 7/2010.
Do có sự thay đổi trong thiết kế và phân chia lại nội dung các gói thầu (từ 4 lên 9 gói thầu), đến gần 4 năm sau (tháng 1/2014), kế hoạch lựa chọn thầu của Dự án mới được điều chỉnh và cập nhật lại. Tháng 2/2014, MRB mới có thể gửi thư mời thầu đến các nhà thầu trúng sơ tuyển. Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu được ấn định từ ngày 28/2/2014 - 9/6/2014. Lễ mở thầu được tổ chức công khai dưới sự chứng kiến của 4 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu và đại diện ADB.
Theo đánh giá của MRB, có 3 nhà thầu đạt bước đánh giá kỹ thuật, nhưng theo ADB chỉ có 2 nhà thầu đạt “chỉ tiêu”. Tuy vậy, đến tháng 1/2015, danh sách nhà thầu đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật cũng được thống nhất, phê duyệt. Tiếp theo, danh sách xếp hạng nhà thầu cũng được phê duyệt vào 6/2015. Liên danh Hyundai Engineering & Costruction (Hyundai E&C) và Ghella S.p.A JV trúng thầu. Ngay sau đó, hợp đồng thực hiện Gói thầu được ký kết giữa MRB và Công ty Hyundai E&C với thời gian thực hiện 49 tháng...
MRB cho biết, trong quá trình tổ chức đấu thầu, việc xin ý kiến không phản đối của ADB về các nội dung đánh giá thầu mất rất nhiều thời gian. Đồng thời, để đủ điều kiện nhà tài trợ cho ý kiến không phản đối về kết quả lựa chọn nhà thầu, hợp đồng và cấp vốn cho gói thầu còn yêu cầu ràng buộc về triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thực hiện tư vấn độc lập hỗ trợ quản lý dự án.
Ngoài ra, nhiều nội dung thương thảo hợp đồng giữa MRB và nhà thầu không được ADB chấp thuận đưa vào dự thảo hợp đồng với lý do không cho phép thay đổi bất cứ nội dung nào của dự thảo hợp đồng trong hồ sơ mời thầu được duyệt.
Công tác GPMB cũng đang được thực hiện với nhiều khó khăn, do vị trí các ga và tuyến ngầm nằm trong khu vực các quận nội thành có mật độ dân cư đông đúc, mặt bằng chật hẹp. Quá trình thực hiện vướng mắc cơ chế đền bù và di dời các công trình ngầm tại khu vực các ga.