Phối cảnh lối lên xuống ga Tao Đàn, Quận 1. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Nhiều dấu mốc lựa chọn nhà thầu
Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được UBND TP.HCM phê duyệt đầu năm 2020, có nhiều gói thầu xây lắp lớn sẽ triển khai trong thời gian tới. Đó là Gói thầu Hạ tầng cơ sở depot Tham Lương (trị giá hơn 6 triệu USD); Gói thầu CP3a Đường hầm và các nhà ga ngầm (Km1+024,7 đến Km6+330,4, trị giá hơn 593 triệu USD); Gói thầu CP3b Đường hầm và các nhà ga ngầm (Km6+330,4 đến Km10+306,07); Gói thầu CP4 Cầu cạn, nhà ga trên cao, kết cấu chuyển tiếp và đường dẫn vào depot (hơn 72 triệu USD); Gói thầu CP6 Công trình đường ray (hơn 60 triệu USD); Gói thầu CP5 Cơ và điện hệ thống (hơn 303 triệu USD); Gói thầu CP7 Cơ và điện không hệ thống (hơn 137 triệu USD). Đây là các gói thầu sử dụng vốn vay ODA, tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế.
Trước đó, quý IV/2020, hàng loạt gói thầu tư vấn thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của Dự án đã được tổ chức lựa chọn nhà thầu. Quý I/2021, các gói thầu tư vấn thẩm tra cũng được ráo riết triển khai lựa chọn nhà thầu như: tư vấn thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công di dời và tái lập công trình điện; công trình cấp nước; công trình thoát nước, biển báo, cây xanh, đèn tín hiệu giao thông… Đây là các gói thầu sử dụng vốn đối ứng (ngân sách TP.HCM).
Một khó khăn phát sinh khiến Dự án chậm triển khai là Gói thầu CS2B Tư vấn kiểm soát thực hiện dự án và giám sát thi công có kinh phí lên tới 68,2 triệu USD (tương đương hơn 1.500 tỷ đồng) gặp trục trặc trong sắp xếp vốn. Ban đầu, nguồn vốn của gói thầu này được TP.HCM xác định là do nhà tài trợ Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) bố trí. Tuy nhiên, sau khi KfW xác nhận không thể, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) bắt buộc phải tìm nhà tài trợ khác.
Do đó, MAUR đề nghị UBND TP.HCM trước mắt cho phép thuê tư vấn luật chung để hỗ trợ MAUR trong đàm phán, thương thảo, quản lý hợp đồng các gói thầu thuộc Dự án, nguồn kinh phí trích từ vốn đối ứng của Dự án.
Theo UBND TP.HCM, giai đoạn 2021 - 2024 rất quan trọng với Dự án và chậm nhất phải triển khai thi công các hạng mục chính từ năm 2022. Cụ thể, năm 2022 khởi công hai gói thầu CP3a và CP3b. Trong giai đoạn 2023 - 2024, thiết kế và tổ chức thi công đào hở, xây dựng tường vây tại các nhà ga, trong đó tiến độ ưu tiên tại các nhà ga S7 (ngã tư Bảy Hiền) và nhà ga S10 (đầu đường Phạm Văn Bạch) để có mặt bằng cho máy TBM khoan thi công ngầm. Từ năm 2024, thiết kế và tổ chức thi công ngầm bằng máy TBM (dự kiến 4 máy) theo 2 mũi, từ nhà ga S7 về phía nhà ga S1 (Bến Thành) và nhà ga S5 (Lê Thị Riêng).
Giai đoạn 2025 - 2026 thi công hoàn thiện các nhà ga ngầm. Song song đó, tổ chức thi công đào và xử lý nền móng tại khu vực depot Tham Lương; thi công đoạn chuyển tiếp từ ngầm lên cao; thi công cầu cạn, nhà ga trên cao S11 (Tân Bình) và đoạn cầu cạn chuyển tiếp vào depot Tham Lương. Thi công hoàn thiện nhà ga S11 và hạ tầng tại depot Tham Lương… Tất cả hạng mục dự kiến hoàn thành, tổ chức chạy thử vào cuối năm 2026.
Giải phóng mặt bằng đạt gần 80%
Theo MAUR, hiện công tác giải phóng mặt bằng của Dự án vẫn trong tiến độ đề ra. Các quận như Tân Phú, 10, 12 đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng. Các quận 1, 3, Tân Bình đang tiếp tục hoàn tất thủ tục pháp lý và vận động người dân bàn giao mặt bằng cho Dự án. “Trong quý IV/2021, trên cơ sở mặt bằng sạch được bàn giao, MAUR sẽ khởi công di dời - tái lập các công trình hạ tầng kỹ thuật (thoát nước, cấp nước, điện lực, cây xanh, chiếu sáng và biển báo giao thông...)”, đại diện MAUR cho biết.
Theo UBND TP.HCM, hiện vướng mắc lớn nhất là ở Quận 3. Nguyên nhân là trước đây từng thực hiện các thủ tục chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng sau đó pháp lý dự án thay đổi nên địa phương phải cập nhật lại chính sách để bảo đảm quyền lợi người dân. Quận 3 có tổng cộng 113 trường hợp bị ảnh hưởng, hiện 37 hộ đã giao mặt bằng. Quận 3 đã trình phương án bồi thường mới, chờ Thành phố phê duyệt để tiến hành bồi thường theo chính sách mới, phù hợp với thị trường.
Dự án Xây dựng tuyến metro số 2 có tổng mức đầu tư hơn 47.800 tỷ đồng, dài hơn 11 km, trong đó 9,2 km đi ngầm, còn lại chạy trên cao và đường dẫn vào depot Tham Lương, Quận 12. Dự án có 9 ga ngầm, 1 ga trên cao. Trong đó, 4 ga đã có mặt bằng sạch gồm: S9 - Bà Quẹo (Tân Bình); S10 - Phạm Văn Bạch; S11 - Tân Bình (Tân Bình và Tân Phú); S5 - Lê Thị Riêng (Quận 10). Hiện đã xây dựng hoàn thành toà nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương, chờ hoàn tất các thủ tục để đưa vào sử dụng.