Năm 2023, Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E được bố trí 566 tỷ đồng, trong đó 152 tỷ đồng đền bù, GPMB nhưng mới giải ngân được hơn 1,1 tỷ đồng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Dự án nói trên đi qua 3 huyện của tỉnh Quảng Nam gồm Phước Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức, có chiều dài khoảng 74 km, tổng mức đầu tư 1.848 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2021 - 2025, do Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) làm Chủ đầu tư. Dù được khởi động phần việc giải phóng mặt bằng (GPMB) từ tháng 9/2022 và Dự án do Ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường GPMB các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo dõi, đốc thúc, nhưng hơn 2 tháng sau khởi công vẫn chưa có mặt bằng cho các nhà thầu thi công.
Ban Quản lý dự án 4 - đơn vị quản lý Dự án cho biết, toàn tuyến mới bàn giao mặt bằng được hơn 2 km. Trong đó, huyện Thăng Bình khoảng 1 km nhưng lại vướng trụ điện nên nhà thầu đang cào bóc hữu cơ; huyện Hiệp Đức 220 m và huyện Phước Sơn 1,2 km. Năm 2023, Dự án được bố trí 566 tỷ đồng, trong đó 152 tỷ đồng đền bù, GPMB nhưng mới giải ngân được hơn 1,1 tỷ đồng.
“Tiến độ như vậy là quá chậm so với kế hoạch... Nhà thầu và Chủ đầu tư rất nóng ruột vì không có mặt bằng thi công, không có khối lượng, không thể thanh quyết toán và giải ngân. Không những thế, các mỏ vật liệu đắp nền trước đây khảo sát phục vụ cho Dự án thì nay đều bị đóng cửa do thiếu nhiều thủ tục, nhất là giấy phép khai thác. Theo tính toán, trữ lượng khảo sát hơn 1 triệu khối đất nền nhưng đến nay không có doanh nghiệp cung ứng”, đại diện Ban Quản lý dự án 4 cho biết.
Về nguyên nhân chậm tiến độ GPMB, theo Ban Quản lý dự án 4 là do Gói thầu đo đạc địa chính đến đầu năm 2023 mới lựa chọn được nhà thầu, lại gặp khó khăn về công tác địa chính của địa phương, có đất nhưng không có chủ, chủ đất đi vắng không thể liên lạc… Bên cạnh đó, địa phương phản ánh, hiện có nhiều dự án trên địa bàn nên bị quá tải các phần việc. Có những xã đang triển khai công việc liên quan đến 19 đầu mục công trình, nhiều gấp 2 - 3 lần số nhân sự liên quan đến công tác địa chính nên không thể cùng lúc triển khai.
Về thực tế chậm tiến độ bàn giao mặt bằng Dự án, Công ty TNHH Đồng Thuận Hà - nhà thầu thi công khoảng 15 km qua huyện Thăng Bình phản ánh, mục tiêu năm 2023, các nhà thầu phải đạt 25% khối lượng công việc, nhưng đã gần nửa năm trôi qua, khối lượng thi công vẫn rất thấp, chủ yếu là đúc cấu kiện bê tông. “Không có mặt bằng nhưng Nhà thầu vẫn phải duy trì 50 nhân công, 15 đầu máy thiết bị để chờ đợi”, đại diện nhà thầu này cho biết.
Trước tình trạng này, Ban Quản lý dự án 4 đã kiến nghị các địa phương tăng tốc kiểm đếm, áp giá bồi thường, trong đó tập trung các đoạn đất 5%, đất thuộc quyền sở hữu của xã, đất công và những đoạn là đất nông nghiệp, lâm nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã yêu cầu các huyện có kế hoạch cụ thể khai thông cho từng đoạn tuyến theo cam kết, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các ngành của Tỉnh khi nhận được hồ sơ của địa phương gửi lên phải ưu tiên xem xét trước. “Đây là dự án có ý nghĩa lớn đối với Quảng Nam, vì vậy các địa phương liên quan phải báo cáo 2 tuần/lần cho Ban Chỉ đạo về kết quả thực hiện. Địa phương, đơn vị nào chậm trễ sẽ có biện pháp phê bình, kiểm điểm nghiêm túc”, ông Quang nhấn mạnh.
Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E gồm 3 gói thầu xây lắp, trong đó, Gói thầu XL01 có giá trị 433,652 tỷ đồng, thời gian thực hiện 658 ngày; Gói thầu XL02 có giá trị 507,55 tỷ đồng, thời gian thực hiện 658 ngày; Gói thầu XL03 có giá trị 450,542 tỷ đồng, thời gian thực hiện 650 ngày, loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.