Đến giữa tháng 11/2024, lũy kế giải ngân Dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai đạt hơn 310 tỷ đồng, tương đương 54,4% kế hoạch vốn năm 2024. Ảnh: Như Nguyệt |
Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông Đồng Nai cho biết, Dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai có 3 gói thầu xây lắp chính. Theo đó, Gói thầu số 26 (Xây dựng) Đoạn từ đầu tuyến đến nút giao ĐT.25C có giá trị hợp đồng 522,942 tỷ đồng triển khai từ tháng 12/2023. Hiện nay, các nhà thầu đã hoàn thành khối lượng khoảng 44 tỷ đồng, tương đương 9,4% giá trị hợp đồng.
Ở Gói thầu số 29 (Xây dựng) Đoạn từ nút giao ĐT.25C đến nút giao ĐT.25B (793,968 tỷ đồng), nhà thầu đã thực hiện khối lượng 113 tỷ đồng, đạt 16,5% giá trị hợp đồng.
Là gói thầu lớn nhất (889,698 tỷ đồng) và triển khai muộn nhất, Gói thầu số 32 (Xây dựng) Đoạn từ nút giao ĐT.25B đến cuối tuyến được ký hợp đồng đầu tháng 9/2024. Đến nay, các nhà thầu đã thực hiện khoảng 40 tỷ đồng, tương đương 5,6% giá trị hợp đồng.
Ông Vũ Hồng Trung, Phó Giám đốc Công ty CP Đường bộ 471, nhà thầu thi công Gói thầu số 29 cho biết, thời gian qua, không chỉ khó khăn về mặt bằng, nguồn vật liệu, mà điều kiện thời tiết mưa nhiều cũng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình thuận lợi hơn, Công ty Đường bộ 472 đang tập trung huy động nhân lực, thiết bị với cường độ cao để thi công hạng mục cầu với nhiều công tác như: mố, trụ cọc khoan nhồi, kết cấu phần dưới. Ông Trung cho biết, hiện tại phạm vi nhà thầu đảm nhận có 75% mặt bằng có thể triển khai thi công, hạng mục cầu vượt ĐT.25B đang thi công nhộn nhịp 3 ca, 4 kíp.
Theo ông Ngô Thế Ân, năm 2024, kế hoạch vốn bố trí cho Dự án là 570 tỷ đồng, hiện nay lũy kế giải ngân hơn 310 tỷ đồng. Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông Đồng Nai đang đốc thúc các nhà thầu đẩy mạnh thi công xây dựng những phân đoạn đã được bàn giao mặt bằng. Mục tiêu là giải ngân Dự án đạt trên 90% khi kết thúc niên độ 2024. Dù mặt bằng đã cơ bản được địa phương bàn giao, nhưng một số vị trí chưa di dời công trình, tài sản nên vẫn gặp khó khăn trong thi công.
Để thực hiện Dự án, Đồng Nai phải thu hồi, giải phóng mặt bằng khoảng 65 ha của 749 trường hợp, trong đó có 646 hộ gia đình, cá nhân; 94 trường hợp chưa xác định chủ sử dụng và 5 tổ chức. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch đã bàn giao mặt bằng 5 đợt với diện tích khoảng 60,15 ha. Tuy vậy, khó khăn, vướng mắc vẫn còn và huyện Nhơn Trạch đang tập trung xử lý. Cụ thể, trong số diện tích mặt bằng đã bàn giao có 12,97 ha nhà thầu chưa thi công được do mặt bằng không liên tục, không có đường tiếp cận để tập kết xe máy, thiết bị, vật tư. Có 87 hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa di dời tài sản trên đất.
Cũng liên quan đến mặt bằng, để thực hiện Dự án cần di dời nhiều vị trí trụ điện cao thế 110kV, 220kV và 500kV. Hiện nay, hồ sơ thiết kế kỹ thuật đang được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thẩm định và dự kiến hoàn thành thẩm định, phê duyệt trong tháng 11/2024. Trong khi đó, huyện Nhơn Trạch đã thống nhất vị trí và đang thực hiện các thủ tục tiếp theo để thu hồi đất, giao đất xây mới 8 trụ điện cao thế.
Lãnh đạo Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông Đồng Nai cũng cho biết, về đất đắp hiện trên địa bàn có một số mỏ thương mại ở khu vực Tân Cang có khả năng cung cấp cho Dự án như Tân Cang 1, Tân Cang 7, Tân Cang 8, nhưng thủ tục pháp lý chưa đảm bảo khai thác. Về cát đắp, Dự án được 3 tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre cam kết cung cấp cát tại 16 mỏ với trữ lượng 14,3 triệu m3. Song hiện tại, Vĩnh Long mới cấp phép khai thác được 2 mỏ với trữ lượng khoảng 600 nghìn m3, Tiền Giang cấp phép 1 mỏ nhưng chưa xây dựng được đơn giá nên chưa khai thác, Bến Tre đấu giá thành công 3 mỏ, nhưng chưa hoàn thành thủ tục để khai thác theo quy định.
“Hiện tại, tiến độ Dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai đang chậm so với kế hoạch và vẫn còn gặp rất khó khăn, vướng mắc. Mặc dù chủ đầu tư và các nhà thầu đang rất nỗ lực để bù tiến độ, song để bảo đảm tiến độ chung và hoàn thành mục tiêu giải ngân, chúng tôi kiến nghị các cơ quan hữu trách địa phương xử lý nhanh chóng, dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng và nguồn vật liệu”, ông Ngô Thế Ân nói.