Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet |
Điệp khúc “chậm và chậm”
Đến nay, chậm tiến độ đã trở thành tình trạng chung của các gói thầu xây lắp lớn thuộc Dự án này. Cụ thể, có đến 3 gói thầu, gồm: XL-01, XL-02, XL-03 đều bị đánh giá là quá chậm trong quá trình triển khai sau khi tổ chức lựa chọn thành công nhà thầu.
Dự án giai đoạn 2 với quy mô gồm 2 hạng mục chính là: thi công tuyến cống bao có chiều dài khoảng 8km nhằm chuyển nước thải từ lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Quận 2 tới khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải; thi công xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè trên diện tích hơn 38ha (phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2) với công suất 480.000 m3/ngày. Trong đó Gói thầu XL-01 Thi công tuyến cống bao thu gom nước thải là hạng mục đầu tiên của Dự án được triển khai xây dựng, khởi công từ ngày 24/2/2017. Gói thầu này lựa chọn nhà thầu thông qua đấu thầu cạnh tranh quốc tế có sơ tuyển, giá gói thầu 79,7 triệu USD (bao gồm thuế và dự phòng phí). Liên danh Italian - Thai Development Public Company Limited (Thailand) trúng thầu với giá 960.167.894.948 VND + 400.000 USD + 1.467.790.541 THB (bao gồm các khoản thuế).
Gói thầu bị đánh giá chậm tiến độ so với kế hoạch và phát sinh nhiều rắc rối khi nhà thầu thi công liên tục ngưng việc do bị chậm thanh toán.
Gói thầu XL-03 Xây dựng hệ thống thoát nước chung cấp 2, cấp 3 thuộc lưu vực 6 do Công ty CP An Lạc thực hiện với giá trị hợp đồng 194,3 tỷ đồng. Ban đầu, gói thầu này dự kiến được hoàn thành vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, đến tháng 12/2019, Nhà thầu mới thi công đạt 39% khối lượng. Trong tháng 6/2020, Nhà thầu và tư vấn đang hoàn thiện các thủ tục để gia hạn hợp đồng, khối lượng thực hiện đạt 50%.
Gói thầu XL-04 đang tổ chức thi công, đạt 76%; Gói thầu XL-05 đạt 86%; Gói thầu XL-07 đạt 32%; còn Gói thầu XL-08 chưa thể thi công do đang vướng mặt bằng.
Nhưng “quán quân” về việc chậm có lẽ đang thuộc về gói thầu lớn nhất, phức tạp nhất và là gói thầu quyết định sự thành bại của toàn bộ Dự án - Gói thầu XL-02 Thiết kế thi công vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Gói thầu này đã chậm hơn 3 năm so với dự kiến ban đầu.
Dự án lớn, nhiều nan giải
Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư 524 triệu USD; trong đó, vốn ODA của WB là 450 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của TP.HCM. Dù là dự án trọng điểm, có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc cải thiện môi trường cho Thành phố, nhưng tiến độ cũng như chất lượng triển khai đang đặt ra nhiều cảnh báo.
Theo đó, hệ lụy của những kiến nghị kéo dài về kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) Gói thầu XL-02 đã đẩy Thành phố vào rủi ro tài chính khi không thể giải ngân kịp thời nguồn vốn IBRD của Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển - thuộc WB trong năm 2018, nhưng vẫn phải trả khoản chi phí cam kết rút vốn và lãi vay phát sinh.
Ước tính luỹ kế đến hết tháng 3/2019, số phí cam kết và lãi vay phải trả do chậm trễ trong việc lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu XL-02 lên tới hơn 2,556 triệu USD (tương đương gần 57,2 tỷ đồng).
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra hàng loạt tồn tại trong triển khai Dự án như: một số bản vẽ thiết kế thi công tại Gói thầu XL-04 và Gói thầu XL-06 sai sót nhưng chưa được phát hiện và điều chỉnh kịp thời. Quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu của Gói thầu XL-07 và Gói thầu XL-08 đều vượt thời gian tối đa theo quy định tại Nghị định số 63/NĐ-CP, không đăng tải thông tin về KQLCNT (Gói thầu XL-08), đăng tải thiếu chính xác thông tin về KQLCNT (Gói thầu XL-07).
Thực tế triển khai các gói thầu tại thời điểm KTNN kiểm tra (tháng 5/2019) chỉ mới đạt từ 19 - 28% nhưng đã sử dụng hết từ 37 - 53% quỹ thời gian theo cam kết trong hợp đồng.
KTNN đã đề nghị Chủ đầu tư chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế trong kiểm soát, giám sát, nghiệm thu, thanh toán giá trị khối lượng hoàn thành; chấn chỉnh việc lựa chọn nhà thầu, yêu cầu đơn vị tư vấn đầu thầu thực hiện việc lựa chọn nhà thầu bảo đảm thời gian theo quy định. Đối với việc xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan, KTNN đề nghị xử lý theo quy định của hợp đồng đối với nhà thầu tư vấn giám sát về các tồn tại, sai sót trong quản lý chất lượng, nghiệm thu khối lượng hoàn thành chưa đảm bảo chính xác, tồn tại trong lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu XL-07 và Gói thầu XL-08.
Được biết, UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến năm 2029. Thành phố cũng kiến nghị điều chỉnh Hiệp định vay, Hiệp định Tín dụng của Dự án đến hết tháng 6/2024 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án.