Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương: Nỗ lực về đích sớm

(BĐT) - Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) có tổng mức đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng, trải rộng trên nhiều tỉnh/thành trong cả nước. 
Cầu Chôn Ang - Chằm Khon tại xã Cẩm Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, được khởi công vào tháng 3/2019 và dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2019. Ảnh: Bích Thảo
Cầu Chôn Ang - Chằm Khon tại xã Cẩm Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, được khởi công vào tháng 3/2019 và dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2019. Ảnh: Bích Thảo

Theo đánh giá của Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Dự án đang đạt được tiến độ tốt, ước tính quá trình đấu thầu các gói thầu thuộc Dự án sẽ hoàn thành trong năm 2019. Tuy nhiên, Đoàn công tác cũng khuyến nghị cần tăng cường áp dụng rộng rãi việc đấu thầu qua mạng để thu hút sự tham gia của các nhà thầu và gia tăng tính cạnh tranh cho các gói thầu.

Nhiều điểm sáng tích cực

LRAMP là một dự án giao thông quan trọng, do Bộ GTVT chủ quản, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) được giao làm chủ đầu tư, quyết định đầu tư các dự án thành phần thuộc hợp phần cầu, UBND các tỉnh quyết định đầu tư hợp phần đường.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng TCĐB cho biết, Dự án LRAMP gồm 2 hợp phần chính, có quy mô lớn và tương đối riêng biệt. Trong đó, hợp phần đường có tổng mức đầu 3.296 tỷ đồng, do UBND 14 tỉnh quyết định đầu tư, các Sở GTVT và Ban Quản lý dự án (QLDA) địa phương triển khai thực hiện với mục tiêu khôi phục cải tạo 676 km đường và 61.109 km được bảo dưỡng thường xuyên. Hợp phần cầu có tổng mức đầu tư 5.798 tỷ đồng, mục tiêu đầu tư tối thiểu 2.174 cầu trên địa bàn 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 9.203 tỷ đồng, trong đó vốn vay của WB chiếm 94%, vốn đối ứng trong nước chiếm 6%. Đến nay, qua nửa kỳ thực hiện Dự án, về cơ bản các khối lượng chính (theo chỉ số giải ngân) đều đạt hoặc vượt kế hoạch. Trong đó, hợp phần cầu đã khởi công được 1.840 cầu, đạt 85% số lượng cầu tối thiểu của Dự án. Số cầu đã hoàn thành là 1.037 cầu (43%), bàn giao khai thác chính thức 865 cầu (40%), dự kiến hết năm 2019 hoàn thành khoảng 1.800 cầu, đạt khoảng 90% so với yêu cầu.

Theo đánh giá của Đoàn công tác, vốn phân bổ trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho Dự án đáp ứng 87% nhu cầu về tổng số ngân sách. Số tiền phân bổ này đủ để thực hiện Dự án đến cuối năm 2020. Công tác đấu thầu của Dự án đang thực hiện đáp ứng yêu cầu (tất cả (341) gói thầu xây lắp đều được đấu thầu rộng rãi). Qua kiểm tra cho thấy, không có nhà thầu bị loại do giá dự thầu vượt giá dự toán hay do các sai sót nhỏ trong hồ sơ dự thầu; không có nhà thầu trúng thầu trực thuộc Bộ GTVT, UBND các tỉnh tham gia dự án. Các công trình xây lắp có chất lượng, đáp ứng yêu cầu. Một số mục tiêu quan trọng đều đạt được, thậm chí là vượt mức… Tính đến thời điểm hiện tại, khoản tiền dư từ Hợp phần cầu khoảng 26 triệu USD đã được phân bổ lại cho 270 cầu ưu tiên bổ sung để tăng tổng số lượng cầu được xây từ 2.174 cầu lên 2.444 cầu. Dự kiến, 270 cầu được bổ sung này sẽ được thi công trong năm 2019 và Hợp phần cầu của Dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020 (hoàn thành vượt kế hoạch 1 năm). 

Còn đó những khó khăn

Đoàn công tác của WB và Bộ GTVT cho biết, mức độ tham gia của nhà thầu vào Dự án LRAMP tương đối thấp (trung bình mỗi gói thầu chỉ có khoảng 3 bộ hồ sơ dự thầu), số lượng gói thầu của Dự án được đấu thầu qua mạng vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do tính chất các công trình thuộc Dự án nằm rải rác ở các vùng sâu, vùng xa, không thu hút nhiều nhà thầu tham gia. Tuy nhiên, Đoàn công tác của WB và Bộ GTVT cũng đưa ra khuyến nghị, cần tăng cường áp dụng đấu thầu đua mạng để lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu xây lắp thuộc Dự án. Điều này làm tăng tính cạnh tranh cho mỗi gói thầu.

Ông Ngô Thành Duy, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bắc Giang cho biết, do các cầu dân sinh có đặc điểm được xây dựng ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa nên trong quá trình thi công rất khó khăn trong việc vận chuyển vật liệu xây dựng, máy móc để thi công công trình. Để có thể đưa công trình cầu dân sinh vào sử dụng, phát huy được hiệu quả thì cần phải khớp nối đồng bộ đường dẫn vào cầu. Những phần công việc này phải nhờ sự vận động, góp công, góp sức của người dân trên địa bàn nên không phải lúc nào cũng thuận lợi. Trong quá trình thi công công trình, nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất của mình để thi công công trình (do đặc thù gói thầu không có kinh phí giải phóng mặt bằng).

Tin cùng chuyên mục