Dự án y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH: “Sốt ruột” tiến độ lựa chọn nhà thầu

(BĐT) - Đến nay, một số địa phương đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu (LCNT) các dự án y tế sử dụng vốn Trung ương hỗ trợ thông qua Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đa số các dự án vẫn đang trong giai đoạn tổ chức LCNT, nếu không thể về đích trong năm 2023 thì có thể phải điều chỉnh kế hoạch vốn.
Nhiều dự án mua sắm trang thiết bị y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang lựa chọn nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều dự án mua sắm trang thiết bị y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang lựa chọn nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 2/10/2023, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông đã ký hợp đồng với Liên danh ARMEPHACO - Nam Nguyên Phát - SENID để thực hiện Gói thầu Thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị y tế (giá trúng thầu 23,597 tỷ đồng) thuộc Dự án Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông (tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng). Thời gian thực hiện hợp đồng là 120 ngày, dự kiến hoàn thành vào tháng 1/2024.

Tại Quảng Trị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị vừa chọn xong nhà thầu các gói thầu xây lắp của Dự án thành phần 3 Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh thuộc Dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo CDC tỉnh Quảng Trị, 9 trung tâm y tế tuyến huyện, 7 trạm y tế xã (14 tỷ đồng).

Trước đó, tháng 8/2023, Lạng Sơn đã hoàn tất việc LCNT 5 gói thầu xây lắp thuộc Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo trạm y tế tuyến xã trên địa bàn huyện Bắc Sơn (tổng mức đầu tư 23,217 tỷ đồng). Thời gian thực hiện hợp đồng là 90 ngày đến 150 ngày, tuỳ từng gói thầu.

Tương tự, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành việc LCNT 3 gói thầu cung cấp thiết bị thuộc Dự án Đầu tư mua sắm trang thiết bị cho CDC tỉnh Lâm Đồng, 72 trạm y tế tuyến xã, 5 phòng khám đa khoa khu vực, Trung tâm y tế huyện Đam Rông với tổng mức đầu tư 61,361 tỷ đồng.

Đây là những địa phương tiên phong, dự kiến sẽ về đích đúng thời hạn đặt ra đối với các dự án y tế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, đa số các bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình tổ chức LCNT.

Tại Bộ Quốc phòng, trừ Gói thầu TB-07 Mua sắm trang bị phụ trợ và thiết bị khác thuộc Dự án Mua sắm trang thiết bị y tế kỹ thuật cao, tiên tiến, công nghệ hiện đại, chuyên sâu để nâng cao năng lực phòng, chống dịch cho các đơn vị quân y (tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng) đã có kết quả LCNT, 6/7 gói thầu mua sắm hàng hoá vẫn đang trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu.

Tại Ninh Bình, Dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cho 43 trạm y tế tuyến xã (tổng mức đầu tư 94 tỷ đồng) mới chọn xong nhà thầu cho 2/4 gói thầu xây lắp.

Tại Bến Tre, Dự án Đầu tư mua sắm trang thiết bị cho CDC Tỉnh và 7 trung tâm y tế tuyến huyện có 7 gói thầu mua sắm hàng hoá thì 3 gói thầu mới mở thầu hoặc chưa thông báo mời thầu.

5 gói thầu xây lắp thuộc Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo trạm y tế tuyến xã trên địa bàn huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đã chọn xong nhà thầu từ tháng 8/2023. Ảnh minh họa: Nhã Chi

5 gói thầu xây lắp thuộc Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo trạm y tế tuyến xã trên địa bàn huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đã chọn xong nhà thầu từ tháng 8/2023. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Tại Bắc Ninh, Dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 11 trạm y tế tuyến xã (120 tỷ đồng) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Bắc Ninh làm Chủ đầu tư đã hoàn thành LCNT Gói thầu số 11 Toàn bộ phần xây lắp và thiết bị (mới 100%) trong tháng 7/2023 và đang trong quá trình thi công. Tuy nhiên, Dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp các Trung tâm Y tế huyện Gia Bình và huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh (tổng mức đầu tư 44 tỷ đồng) mới dừng ở bước chọn nhà thầu tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán (kết quả LCNT Gói thầu số 4 được phê duyệt ngày 27/9/2023).

Sốt ruột trước thực tế trên, cuối tháng 9/2023, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản đốc thúc các sở (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Y tế), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lĩnh vực y tế.

Sau Công điện số 749/CĐ-TTg ngày 18/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023, Bộ Y tế đã có Công văn số 5640/BYT-KHTC đôn đốc các bộ: Công an, Quốc phòng và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh tiến độ giải ngân và báo cáo định kỳ giải ngân vốn Chương trình. Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 31/8/2023, có 23 tỉnh, thành phố không có báo cáo giải ngân, gồm: Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Bắc Giang, Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Gia Lai, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Long An, Vĩnh Long, Kiên Giang và Bạc Liêu.

Để thúc đẩy giải ngân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc yêu cầu chủ đầu tư lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý; chủ động rà soát, đánh giá khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn sang dự án giải ngân tốt…

Tin cùng chuyên mục