Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Kỳ vọng bước chuyển lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hơn 150 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và chuyên gia tham dự Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) diễn ra ngày 13/4, tại Hà Nội cho thấy sự kỳ vọng rất lớn vào nền tảng pháp lý mới, để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong các lĩnh vực như xây lắp, mua sắm hàng hóa... Để giải quyết được những vấn đề này, đòi hỏi sự đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan, trong đó pháp luật về đấu thầu là một mắt xích quan trọng.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng rất lớn vào nền tảng pháp lý mới để khắc phục hạn chế, bất cập trong đấu thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa. Ảnh: Tiên Giang
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng rất lớn vào nền tảng pháp lý mới để khắc phục hạn chế, bất cập trong đấu thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa. Ảnh: Tiên Giang

Ghi nhận nhiều bước tiến

Đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự đồng thuận và đánh giá cao những bước tiến của Dự thảo Luật sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa.

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo, ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, thời gian qua, Hiệp hội đã tham gia đóng góp ý kiến rất tích cực, nhiều lần trao đổi trực tiếp và bằng văn bản để góp phần tăng tính hiệu quả của Luật khi đưa vào áp dụng. Về cơ bản, Dự thảo Luật đã tiếp thu tối đa các đề xuất của Hiệp hội và doanh nghiệp hội viên. Trong đó, ghi nhận lớn nhất là thời gian thực hiện các quy trình được rút ngắn, nhanh gọn hơn; bổ sung một số hình thức đấu thầu mới; hay mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng…

Tuy vậy, Hiệp hội vẫn mong muốn Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Chẳng hạn, cần quy định rõ khái niệm “bất khả kháng” trong hợp đồng trọn gói; thanh, quyết toán hợp đồng trọn gói; đánh giá năng lực và chế tài quản lý thực hiện hợp đồng sau đấu thầu; có cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư để hạn chế tình trạng nợ đọng trong xây dựng…

Đồng thời, lo ngại hình thức chỉ định thầu ngày càng được nới rộng so với Luật Đấu thầu 2013, ông Cận cho rằng cần hạn chế trường hợp chỉ định thầu; giảm hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, mua sắm hàng hóa…; gia tăng các trường hợp đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh…

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Vinaconex kiến nghị bổ sung thêm các khái niệm về “giá quyết toán”, “nhà thầu liên doanh” (khác với nhà thầu liên danh), cho phép bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách đã nêu trong hồ sơ dự thầu… Ông Cao Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings kiến nghị điều chỉnh tăng tỷ lệ giá trị công việc gói thầu mà nhà thầu trong nước đảm nhận từ 25% lên thành 50% trong trường hợp liên danh với nhà thầu nước ngoài; tăng tỷ lệ ưu đãi cho đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu từ 7,5% lên mức 10%...

Về lựa chọn nhà đầu tư (LCNĐT), ông Cao Tùng Lâm kiến nghị điều chỉnh giảm giá trị dự án tương tự loại 1, 2, 3 để xét năng lực kinh nghiệm NĐT từ mức 50 - 70% xuống mức 40 - 60%; kéo dài thời gian hoàn thành dự án tương tự từ 3 - 5 năm lên 7 - 10 năm so với thời điểm đóng thầu; xem xét trường hợp NĐT thay đổi đối tác là nhà thầu chính trong quá trình thực hiện… GS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội NĐT công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đề nghị bổ sung quy định về bổ sung hồ sơ mời thầu và loại hợp đồng trọn gói trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)…

Hơn 150 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và chuyên gia tham dự Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: Bích Thủy

Hơn 150 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và chuyên gia tham dự Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: Bích Thủy

Pháp luật về đấu thầu chỉ là một mắt xích

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan chủ trì soạn thảo) đã giải trình và tiếp thu từng nội dung góp ý của doanh nghiệp. Về chỉ định thầu, lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu cho biết, nội dung này đã được thảo luận tại nhiều diễn đàn. Cho đến nay, qua rà soát chặt chẽ và có sự thống nhất với Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Dự thảo Luật quy định rõ 12 trường hợp được áp dụng chỉ định thầu.

Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, giá nguyên nhiên vật liệu biến động mạnh, tăng tới 40 - 45%…, đại diện Cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định “hoàn cảnh thực hiện hợp đồng có thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật dân sự”, còn trường hợp nào là “bất khả kháng” thì phải tuân thủ theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Tương tự, đối với lĩnh vực LCNĐT, bà Nguyễn Thị Linh Giang, Chánh văn phòng PPP thuộc Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, Dự thảo Luật Đấu thầu không quy định về LCNĐT thực hiện dự án PPP (đã có quy định loại trừ tại Điều 3 Dự thảo Luật), vì đây là phạm vi điều chỉnh của Luật PPP. Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) chỉ quy định tập trung về quy trình LCNĐT của dự án đầu tư có sử dụng đất.

Tuy nhiên, việc phân loại dự án nào phải tổ chức đấu thầu là tùy thuộc vào quy định của Luật Đất đai đang được sửa đổi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để quy định rõ những trường hợp nào LCNĐT theo Luật Đấu thầu. Nguyên tắc được Chính phủ đặt ra xuyên suốt trong quá trình xây dựng 2 dự thảo luật này là Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) chỉ quy định về quy trình còn nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Về chủ trương trong thời gian tới, Chánh văn phòng PPP chia sẻ thêm, khi thị trường bất động sản, đất đai có nhiều NĐT ở loại dự án 1 như quy định tại Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT, thì loại dự án mà NĐT mượn năng lực của đối tác sẽ bị hạn chế dần.

Đề xuất bổ sung quy định trường hợp có thay đổi nhà thầu phụ trong đấu thầu hay đối tác đầu tư, đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, điều này là không khả thi, bởi vì kết quả đấu thầu được cụ thể hóa trong hợp đồng, theo đó hợp đồng sẽ ràng buộc trách nhiệm của các bên, không thể tùy tiện thay đổi.

Chia sẻ với Cơ quan chủ trì soạn thảo về giới hạn phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, ông Dương Văn Cận đề xuất với đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về việc cần xây dựng riêng một đạo luật về hợp đồng để giải quyết phần chông chênh về quản lý thực hiện hợp đồng giữa Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng, trong khi vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng với chất lượng thực thi và hiệu quả đầu tư công trình.

Với tinh thần cầu thị, ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu bày tỏ mong muốn tiếp tục lắng nghe ý kiến trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật, nhằm đạt mục tiêu kỳ vọng là sửa đổi toàn diện Luật, giải quyết được các vấn đề thực tiễn phát sinh, bảo đảm hiệu quả thực chất của hoạt động đấu thầu, phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất và tạo thuận lợi cho quá trình triển khai.

Tin cùng chuyên mục