Đưa tiêu chí “xanh” vào từng khâu lựa chọn nhà thầu

(BĐT) - Muốn mua sắm công xanh (MSCX) đi vào thực tế, cần có một chương trình vận động mạnh mẽ và quyết liệt từ các cấp có thẩm quyền. Quan trọng hơn, các khâu liên quan đến lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT), lập hồ sơ mời thầu (HSMT), đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) cho đến ký kết hợp đồng đều phải lồng ghép với các tiêu chí “xanh”.
Đến nay, việc thực hiện mua sắm công xanh mới chỉ tập trung vào một số sản phẩm như thiết bị chiếu sáng, thiết bị điện, điện tử... Ảnh st
Đến nay, việc thực hiện mua sắm công xanh mới chỉ tập trung vào một số sản phẩm như thiết bị chiếu sáng, thiết bị điện, điện tử... Ảnh st

Còn trở ngại trong mua sắm công xanh

Theo Báo cáo về MSC bền vững của Tổng cục Môi trường, Việt Nam chi trung bình 20 - 30% ngân sách hàng năm vào MSC. Con số này có thể tăng lên tới 50% nếu bao gồm chi tiêu cho thi công. Trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế, ứng dụng MSC bền vững sẽ có đóng góp to lớn cho những mục tiêu phát triển bền vững.

Trong những năm qua, hệ thống pháp luật quản lý hoạt động MSC đã không ngừng hoàn thiện như Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu, Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg về việc ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước..., giúp việc kiểm soát MSC chặt chẽ hơn.

Đối với MSCX, hiện tại chưa có chính sách, quy định cụ thể về việc tích hợp các yếu tố môi trường trong mua sắm. Tuy nhiên, trong quy trình MSC, một số sáng kiến đang được thực hiện ở các cơ quan chính phủ thông qua Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg về ban hành quy chế tổ chức mua sắm tài sản hàng hóa từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung, Quyết định số 68/2011/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo đó, từ ngày 1/1/2013, các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước khi mua sắm các phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 68/2011/QĐ-TTg phải mua sắm các phương tiện, thiết bị được dán nhãn Ngôi sao năng lượng  hoặc nhãn so sánh đạt cấp hiệu suất năng lượng 5 sao.

Đặc biệt, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 thực hiện MSCX. Đây là cơ sở quan trọng để hình thành nền kinh tế xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc thực hiện các quy định này mới chỉ dừng ở mức độ thí điểm và chỉ tập trung mua sắm một số sản phẩm như thiết bị chiếu sáng, thiết bị điện, điện tử...

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc triển khai thực hiện MSCX trong giai đoạn này gặp phải một số trở ngại lớn, trước hết là về vấn đề nhận thức.

Bên cạnh đó là sự thiếu liên kết giữa các văn bản pháp luật; năng lực của cán bộ mua sắm, đấu thầu về MSCX còn hạn chế, cũng như thiếu một tài liệu hướng dẫn lồng ghép các tiêu chí bền vững vào quy trình đấu thầu. 

Lồng ghép thế nào?

Tại Hội thảo tham vấn về định hướng MSCX do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức tại TP.HCM mới đây, đại diện Cục Quản lý đấu thầu khẳng định, cần tăng cường giám sát, đánh giá đấu thầu MSCX theo nhiều tiêu chí. Đó là tiêu chí về số lượng và giá của các gói thầu trong KHLCNT được phê duyệt có áp dụng MSCX; số lượng và giá của các gói thầu MSCX có đăng tải thông báo mời thầu; số lượng và giá trị trúng thầu/thực hiện hợp đồng của các gói thầu MSCX…

Theo Bộ KH&ĐT, người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu trước khi thực hiện mua sắm cần rà soát, đánh giá nhu cầu mua sắm để đảm bảo tối ưu hóa nguồn tài nguyên hiện có. “Cá nhân, tổ chức thực hiện mua sắm cần đưa ra các yêu cầu trong HSMT/HSYC phù hợp, tạo điều kiện lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực cung ứng các sản phẩm xanh cho gói thầu của mình. Đồng thời, cần báo cáo công tác LCNT đối với gói thầu MSCX đầy đủ, chính xác theo đúng quy định”, Bộ KH&ĐT khuyến nghị.

Trong khi đó, đại diện các sở KH&ĐT khu vực phía Nam cho rằng, nên quy định cụ thể từ quá trình lập, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án/dự toán mua sắm. Theo đó, tổng mức đầu tư, tổng dự toán phải đảm bảo sát với thực tế giá cả thị trường của các sản phẩm, không lấy các mức giá thấp (hoặc thấp nhất) của các sản phẩm cùng loại mà không xét đến yếu tố xanh dẫn đến khi tổ chức LCNT, yếu tố giá gói thầu sẽ làm hạn chế sự tham gia hoặc không lựa chọn được nhà thầu cung cấp sản phẩm xanh.

Về vấn đề này, Sở KH&ĐT TP.HCM đề xuất, “phải ghi rõ hình thức mua sắm xanh vào hình thức lựa chọn nhà thầu” trong lập KHLCNT.

Các chuyên gia về đấu thầu cho rằng, trong các thông báo mời thầu cần đưa yêu cầu cơ bản về MSCX vào mục “nội dung chính của gói thầu” để công khai.

Ngoài ra, Cục Quản lý đấu thầu cho biết, nên áp dụng ưu đãi cho sản phẩm xanh khi lập HSMT/HSYC và đánh giá HSDT/HSĐX. Xây dựng các nội dung về MSCX trong hợp đồng và cần tuân thủ trong quá trình thương thảo. Đồng thời, quá trình thực hiện hợp đồng cần có giám sát chặt chẽ của chủ đầu tư. Thời gian tới sẽ thiết kế trang, mục riêng về MSCX trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để đảm bảo các thông tin về đấu thầu xanh được tập trung, thuận tiện tra cứu”.

Tin cùng chuyên mục