Đùn đẩy trách nhiệm mua sắm tập trung lĩnh vực y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Câu chuyện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, thuốc men, vật tư, hóa chất y tế đang tiếp tục được làm nóng lên tại nghị trường Quốc hội. Nỗi lo thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế ngày một gia tăng khi bắt đầu có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong việc tổ chức đấu thầu, mua sắm giữa các cơ quan, đơn vị.
Nỗi lo thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế ngày một gia tăng khi bắt đầu có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong việc tổ chức đấu thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Nỗi lo thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế ngày một gia tăng khi bắt đầu có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong việc tổ chức đấu thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế liên tục có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị chủ động mua sắm thuốc thuộc Danh mục đấu thầu tập trung (ĐTTT) quốc gia và Danh mục áp dụng hình thức đàm phán giá tại Thông tư 15/2020/TT-BYT trong lúc chờ đợi kết quả lựa chọn nhà thầu (LCNT) từ Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung quốc gia thuộc Bộ Y tế.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều đơn vị tổ chức ĐTTT cấp địa phương vẫn trù trừ, chậm hoặc không triển khai, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư xảy ra tại một số bệnh viện như ở khu vực phía Nam (Bệnh viện Chợ Rẫy, Bình Dương…).

Mới đây, Sở Y tế Lâm Đồng đề xuất với UBND Tỉnh về việc giao nhiệm vụ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc cho các cơ sở y tế. Theo đó, đơn vị được giao tổ chức ĐTTT cấp địa phương (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) sẽ trả lại số lượng kế hoạch và giá kế hoạch thuốc, dược liệu của các gói thầu về cho từng đơn vị tự triển khai. Kế hoạch LCNT cung ứng thuốc và dược liệu thuộc Danh mục ĐTTT cấp địa phương cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn Tỉnh năm 2022 dự kiến có 2 gói thầu, gồm: Gói thầu số 1 Generic với 146 mặt hàng, Gói thầu số 2 Dược liệu với 194 mặt hàng.

Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho rằng, các cơ sở y tế từ tuyến huyện đã và đang thực hiện việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh. Nếu được giao thêm danh mục thuốc ĐTTT cấp địa phương, các cơ sở y tế đều có đủ năng lực để tổ chức LCNT. Tuy nhiên, Sở Y tế Lâm Đồng cũng thừa nhận, phương án phân cấp này cũng có một số điểm bất cập. Do nhiều đơn vị tự tổ chức LCNT cung ứng thuốc nên có thể giữa các đơn vị không có sự đồng nhất mặt hàng và giá trúng thầu, cũng như không thể điều chuyển được số lượng sử dụng giữa các đơn vị trong ngành.

Không chỉ Lâm Đồng, gần đây, Sở Y tế TP.HCM còn đề xuất thành lập Trung tâm mua sắm tập trung TP.HCM trực thuộc UBND Thành phố. Theo Sở Y tế TP.HCM, việc thành lập trung tâm này phải đảm bảo tính chuyên nghiệp, có quy mô đủ lớn, hoạt động độc lập, khách quan, không kiêm nhiệm. Trên thực tế, mô hình trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công cho ngành y tế từng được thành lập tại TP.HCM từ năm 2013 và giải thể năm 2017.

Tại Hà Nội, trước đây việc tổ chức ĐTTT cho ngành y tế là nhiệm vụ được giao cho Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính thuộc Sở Tài chính Hà Nội, nhưng sau đó buộc phải trả lại cho ngành y tế.

Theo một chuyên gia pháp chế về y tế, việc tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế là một lĩnh vực khó, đòi hỏi một đội ngũ nhân sự đầy đủ, có năng lực chuyên môn sâu về y tế, tài chính, am hiểu quy định của pháp luật về đấu thầu, có kinh nghiệm tổ chức LCNT…. Trong khi đó, mỗi Sở Y tế của các tỉnh/thành phố hiện chỉ có khoảng 20 người, người phụ trách công tác đấu thầu đa số là kiêm nhiệm.

Thực tế cho thấy, do hạn chế về nhân lực và chế độ kiêm nhiệm nên Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Bộ Y tế) đã gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức ĐTTT, đàm phán giá trong thời gian qua. Ba gói thầu thuộc Dự toán Cung cấp thuốc giai đoạn 2022 - 2023 với tổng dự toán là 9.189 tỷ đồng phải gia hạn tới 6 lần.

Thảo luận tại Quốc hội mới đây PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu , Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: "Những con sâu đã bị gạt khỏi hệ thống. Nhưng những người ở lại rất hoang mang, loay hoay chưa tìm được đường đi, vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai, bởi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh".

Vì vậy, theo một chuyên gia, Chính phủ cần nghiên cứu, điều tra tổng thể để xác định rõ những điểm bất cập về thể chế, mô hình, nguồn nhân lực đảm nhiệm công tác ĐTTT trong lĩnh vực y tế, từ đó mới có thể đưa ra những giải pháp khắc phục cụ thể. Trước mắt, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần vào cuộc ngay để giải quyết những vướng mắc, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị, phó thác mọi việc cho Bộ Y tế. Nếu cần thiết, thì Chính phủ có thể ban hành ngay một nghị quyết riêng về vấn đề này.

Tin cùng chuyên mục