Giới chuyên gia cho rằng, dù FED tăng lãi suất thì Việt Nam cũng không chịu áp lực quá lớn về lãi suất, tỷ giá |
Kết thúc kỳ họp dài hai ngày, vào rạng sáng ngày 15/6, Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm (0,25%). Đây là lần tăng thứ ba trong vòng sáu tháng qua.
Nhận định về động thái này của FED, ông Ngô Đăng Khoa - Trưởng phòng Kinh doanh Ngoại hối và Trái phiếu của Ngân hàng HSBC Việt Nam cho hay: Trong kỳ họp giữa tháng 6 này, FED đã quyết định tăng lãi suất 25 điểm (0,25%). Ngay sau quyết định này, đồng USD không có biến động nhiều do thị trường đã kỳ vọng việc tăng lãi suất của FED trong phiên họp.
Tuy nhiên, FED cũng đã công bố chi tiết hơn kế hoạch giảm khoản trái phiếu QE mà FED đã mua trong và sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế nhằm hỗ trợ thanh khoản và tăng trưởng kinh tế.
Ủy ban Thị trường mở FOMC dự định sẽ đặt ra mức 6 tỷ USD/tháng cho trái phiếu chính phủ Mỹ và sau đó tăng dần lên 30 tỷ USD trong bốn quý tiếp theo khối lượng trái phiếu FED sẽ để đáo hạn.
Đối với MBS (Mortgage-Backed Securities), hạn mức đặt ra là 4 tỷ USD/tháng và sẽ tăng lên 20 tỷ USD trong vòng một năm. Chủ tịch FED Janet Yellen cho rằng nếu kinh tế Mỹ tiến triển như kế hoạch thì khả năng giảm khối lượng nắm giữ trái phiếu sẽ sớm hơn.
"Chúng tôi nghĩ có khả năng FED sẽ thông báo trong tháng 9 và bắt đầu thực hiện lộ trình này vào tháng 10 tới. Do đó, chúng tôi dự đoán lần tăng lãi suất tiếp theo sẽ vào tháng 12 thay vì tháng 9 như dự đoán trước đây vì khó có khả năng FED muốn thắt chặt chính sách tiền với với việc tăng lãi suất và giảm khối lượng nắm giữ trái phiếu cùng một lúc trong tháng 9", ông Khoa dự đoán.
Đối với thị trường ngoại hối, việc giảm khối lượng trái phiếu nắm giữ của FED được nhận định một phần thay thế việc tăng lãi suất. Việc giảm quy mô bảng cân đối tài sản của FED càng được sử dụng nhiều thì nhu cầu cần tăng lãi suất sẽ giảm đi; và do đó sẽ làm cho đồng USD yếu đi.
Trên thị trường Việt Nam, trong năm nay, tỷ giá USD/VND biến động trong một số thời điểm nhưng nhìn chung từ đầu năm đến giờ khá ổn định quanh mức 22.680 VND - 22.750 VND với thanh khoản thị trường khá tốt, nguồn cung khá dồi dào từ dòng vốn FDI, FII và các hoạt động M&A.
"Với xu hướng giảm nhẹ của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt trong thời gian sắp tới, tỷ giá USD/VND được kỳ vọng sẽ không có nhiều biến động. Tuy nhiên, với cán cân thương mại thâm hụt khoảng 2,5 tỷ USD từ đầu năm đến giờ và khả năng có thể nới rộng lên 7 tỷ USD vào cuối năm sẽ tạo những áp lực nhất định lên tỷ giá USD/VND vào một số thời điểm", ông Khoa nhấn mạnh.
Trong hai tháng gần đây, lạm phát có xu hướng giảm nhưng trung bình năm tháng đầu năm (4,47%) vẫn cao hơn mục tiêu 4%. Do đó lãi suất VND vẫn nên ở mức hấp dẫn thích hợp để vừa có thể hỗ trợ kinh tế nhưng cũng có thể duy trì sự ổn định của tỷ giá. Với chính sách của FED, xu hướng lãi suất và USD khá rõ ràng, khả năng, thị trường hiện chuyển sự tập trung qua Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và khả năng sẽ có nhiều yếu tố bất ngờ hơn trong thời gian tới.
Do đó, vị chuyên gia này khuyến nghị, các doanh nghiệp có những hoạt động liên quan đến rủi ro về lãi suất và tỷ giá vẫn nên theo dõi sát sao những biến động của thị trường và sử dụng những biện pháp phòng ngừa rủi ro thích hợp.
Còn theo ông Cấn Văn Lực, Phó Tổng giám đốc, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV, "dù FED tăng lãi suất thì chúng ta cũng không chịu áp lực quá lớn về lãi suất, tỷ giá. Theo dự báo mà tôi đưa ra, đồng Việt Nam năm nay sẽ điều chỉnh mất giá tối đa từ 1-2%, mức này là chấp nhận được. Lý do là vì trong bối cảnh thị trường tài chính của ta hoàn toàn bị động, có đồng tiền mất giá mà cũng có đồng tăng giá. Nếu đồng Việt Nam mất giá trong khoảng trên là có thể chấp nhận được".