Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg/CNBC. |
Giá dầu thế giới tăng khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau khi dữ liệu cho thấy Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) giảm mạnh sản lượng trong tháng 7. Dự báo tồn kho dầu thô của Mỹ sụt giảm cũng là nhân tố quan trọng hỗ trợ giá "vàng đen" trong phiên này.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao sau tăng 1,29 USD/thùng, tương đương tăng 2,4%, đạt 54,93 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao sau chốt phiên với mức tăng 0,81 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, đạt 59,51 USD/thùng.
Tại một cuộc họp của các bộ trưởng dầu lửa OPEC, khối này cho biết mức cắt giảm sản lượng của khối trong tháng 7 đạt mức cao hơn 59% so với cam kết. Đây là tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận hạn chế sản lượng của OPEC cao nhất từ đầu năm đến nay.
Nhà phân tích cấp cao Phil Flynn nói rằng số liệu này làm dấy lên kỳ vọng "lượng dầu tồn kho trên toàn cầu sẽ giảm mạnh trong nửa cuối của năm".
Giới đầu tư dầu lửa hiện đang chờ báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ. Các nhà phân tích dự báo rằng báo cáo này sẽ cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Mỹ giảm 4,7 triệu thùng trong tuần trước.
Trong phiên ngày thứ Ba còn có một nhân tố khác giúp dầu tăng giá. Đó là hy vọng suy giảm về đàm phán giữa Mỹ và Iran.
Hôm thứ Hai, giá dầu sụt giảm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Tuy nhiên, vào ngày thứ Ba, hy vọng này đã sụt giảm sau khi ông Rouhani nói rằng Mỹ phải dỡ trừng phạt Iran thì ông mới gặp ông Trump.
Xuất khẩu dầu của Iran đã sụt giảm mạnh vì ông Trump tái áp các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Tehran sau khi ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa các cường quốc với Iran. Nếu Mỹ-Iran đạt một thỏa thuận mới, xuất khẩu dầu của Iran có thể tăng mạnh trở lại lên mức 1,5 triệu thùng/ngày giữa lúc thị trường dầu lửa toàn cầu đang dư cung.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang chịu sức ép giảm từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhân tố có thể gây suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ dầu.
Việc Mỹ sản xuất và xuất khẩu ngày càng nhiều dầu cũng đặt ra áp lực giảm giá đối với năng lượng này.
Theo một báo cáo mới đây từ ngân hàng Citigroup, trong vòng một thập kỷ qua, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gấp đôi, lên mức 12,3 triệu thùng/ngày. Hiện nay, Mỹ đang xuất khẩu 3 triệu thùng dầu mỗi ngày và con số này có thể tăng lên 4 triệu thùng/ngày vào năm tới.
Chịu sự tác động của những yếu tố trái chiều, giá dầu đã ở trong trạng thái giằng co từ đầu tháng tới nay.
Tháng 10 năm ngoái, giá dầu WTI tăng lên mức 75 USD/thùng, cao nhất trong vòng 1 năm. Đến tháng 12, giá dầu WTI sụt xuống đáy 42 USD/thùng trong đợt bán tháo của thị trường tài chính toàn cầu.
Trong tháng 8 này, giá dầu khá ổn định, với giá dầu WTI dao động ở khoảng giữa của vùng từ 50-60 USD/thùng, còn giá dầu Brent dao động quanh ngưỡng 60 USD/thùng.