Gia tăng tỷ lệ hàng Việt trong đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lây lan rộng đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, theo nhiều DN, dịch bệnh cũng là cơ hội để hàng Việt khẳng định vị thế của mình ngay tại “sân nhà”. Tại nhiều gói thầu sử dụng vốn nhà nước của các DNNN, hàng Việt luôn được ưu tiên tối đa.
Gần 22.900 gói thầu do EVN thực hiện trong năm 2020, hàng hóa trong nước sản xuất được ưu tiên sử dụng tối đa. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Gần 22.900 gói thầu do EVN thực hiện trong năm 2020, hàng hóa trong nước sản xuất được ưu tiên sử dụng tối đa. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo báo cáo thực hiện công tác đấu thầu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong năm 2020, hàng hóa trong nước sản xuất tiếp tục được ưu tiên sử dụng trong các gói thầu/dự án sử dụng vốn nhà nước. Tỷ lệ nội địa hóa cũng như chất lượng hàng hóa ngày càng được nâng cao.

Tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong năm 2020 đã thực hiện gần 22.900 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu hơn 77.000 tỷ đồng. Tại các gói thầu này, hàng hóa trong nước sản xuất được ưu tiên sử dụng tối đa.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cho biết: “Hàng hóa trong nước sản xuất được luôn được ưu tiên tối đa trong các gói thầu/dự án của đơn vị. Tất cả các gói thầu mua sắm hàng hóa có thể mua được trong nước, chúng tôi không tổ chức đấu thầu quốc tế. Tỷ lệ hàng Việt trong các gói thầu ngày càng tăng. Cùng với đó, chất lượng hàng Việt cũng được nâng lên”. Theo vị cán bộ này, các gói thầu lĩnh vực truyền tải điện đa phần sử dụng hàng hóa trong nước. Điển hình, ở gói thầu trạm biến áp, hàng Việt chiếm tới 70 - 80%; tỷ lệ này đạt trên 90% ở các gói thầu đường dây truyền tải.

Theo EVN, các đơn vị thành viên của Tập đoàn cũng chủ động hơn trong việc tìm nguồn vật tư, phụ tùng có thể chế tạo, gia công trong nước, nghiên cứu, tự sửa chữa, phục hồi một số thiết bị cơ nhiệt, điện tử, góp phần giảm giá thành sản xuất. Nhờ vậy, các đơn vị sản xuất trong nước đáp ứng được nhu cầu thị trường với các sản phẩm như: công tơ đo đếm, biến dòng điện, điện áp, tủ bảng điện, các loại dao cách ly đến 220 kV, chế tạo nhiều loại tủ điện đo lường…

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, trong năm 2020, PVN đã quán triệt các đơn vị trong ngành sử dụng tối đa dịch vụ và hàng hóa trong nước sản xuất được. Cụ thể, PVN yêu cầu các đơn vị thành viên chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế đối với các dự án có công nghệ phức tạp và tính đồng bộ cao mà nhà thầu trong nước không đủ năng lực, kinh nghiệm đảm nhận hoặc hàng hóa trong nước chưa sản xuất được. Các nội dung này đã được các đơn vị thực hiện nghiêm túc và đưa vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của các dự án, gói thầu. Theo đó, kết thúc năm 2020, rất nhiều gói thầu lớn của ngành dầu khí đã được các nhà thầu trong nước đảm nhận và thực hiện tốt. Tỷ lệ nội địa hóa trong các dự án của PVN ngày càng được nâng cao.

Tương tự, năm 2020, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm giúp các chủ đầu tư nghiêm túc sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được. Vinatex cho biết: “Với đặc thù của ngành sợi - dệt - nhuộm - may, sản phẩm đầu ra của đơn vị này có thể là sản phẩm đầu vào của đơn vị khác nên các thành viên thuộc Tập đoàn đã chủ động kết nối, đẩy mạnh giới thiệu rộng rãi hàng hóa do mình sản xuất được bằng nhiều phương thức khác nhau để các đơn vị trong ngành biết và sử dụng”.

Nhiều DNNN khác như: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam… cho biết, các đơn vị thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến công tác đấu thầu và quán triệt các quy định về đấu thầu, trong đó có việc sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được cho đơn vị trực thuộc.

Tuy vậy, theo một số DNNN, hiện vẫn còn một số mảng vật tư, thiết bị yêu cầu kỹ thuật cao trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu. Vì vậy, trong thời gian tới, các nhà sản xuất trong nước cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đầu tư, đổi mới sáng tạo để cung ứng cho thị trường các sản phẩm đa dạng hơn. Một số ý kiến khác cho rằng, nếu có hướng dẫn chi tiết về đánh giá năng lực hoặc kỹ thuật, chi tiết về tiêu chí khuyến khích sử dụng hàng trong nước thì cơ hội cho hàng Việt ở các gói thầu/dự án sẽ ngày càng cao.

Tin cùng chuyên mục