Giá vàng nhảy múa, cân nhắc đầu tư

(BĐT) - Ngày 3/7, giá vàng trong nước vọt tăng theo giá vàng thế giới trước sự bất đồng chính trị giữa các nước. Biến động của giá vàng trong thời gian tới vẫn khó đoán định, do đó, giới chuyên gia cho rằng, việc mua vàng để đa dạng hóa cơ hội sinh lời là hợp lý, song không nên xem là một kênh đầu tư có thể đánh cược ở thời điểm này.
Giá vàng thế giới có thể tiếp tục tăng giảm xung quanh ngưỡng 1.400 USD/oz. Ảnh: Minh Ngọc
Giá vàng thế giới có thể tiếp tục tăng giảm xung quanh ngưỡng 1.400 USD/oz. Ảnh: Minh Ngọc

Chưa quay lại mốc 40 triệu đồng/lượng

Lúc 16h ngày 3/7 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch New York tăng nhẹ lên mức 1.423 USD/oz  sau khi được giao dịch ở mức 1.422 USD/oz vào đầu giờ sáng cùng ngày. Ngày giao dịch trước đó, giá vàng có lúc đã chạm 1.435,99 USD/oz.

Trong nước, đầu giờ sáng cùng ngày, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) là 38,9 triệu đồng/lượng (mua vào) - 39,45 triệu đồng/lượng (bán ra), giá bán ra tăng thêm 990.000 đồng/lượng so với cuối phiên ngày 2/7. Đến 16h cùng ngày, giá vàng miếng SJC mua vào - bán ra tại công ty này đã giảm xuống mức 38,8 triệu đồng/lượng - 39,25 triệu đồng/lượng.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra lần lượt ở mức 39,05 triệu đồng/lượng và 39,47 triệu đồng/lượng, tăng cả triệu đồng so với cuối giờ ngày trước. Đến 16h cùng ngày, giá vàng miếng SJC mua vào - bán ra tại công ty này đã giảm xuống mức 38,85 triệu đồng/lượng - 39,15 triệu đồng/lượng.

Như vậy, sau đợt tăng giá mạnh trong tháng 6, giá vàng đã giảm nhẹ trong 2 ngày đầu tháng 7 và bật tăng trở lại trong ngày 3/7.

Nhận xét về biến động của giá vàng, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho biết, dù đã bật tăng trở lại, song giá vàng vẫn chưa lặp lại mức đỉnh của cách đây một tuần, thời điểm giá vàng bán ra từng chạm sát ngưỡng 40 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng ngay sau khi mối quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng. Iran tuyên bố đã tích lũy được lượng uranium làm giàu nhiều hơn mức cho phép trong thỏa thuận hạt nhân mà nước này ký kết với các cường quốc vào năm 2015. Theo hãng tin Reuters, tuyên bố trên đánh dấu bước đi lớn đầu tiên của Iran vượt quá giới hạn của thỏa thuận hạt nhân. Phản hồi động thái này, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: “Iran đang đùa với lửa”.

Trước đó, giá vàng từng có chuỗi ngày tăng đáng kể trong tháng 6 và giảm trong hai ngày đầu tháng 7. Một số yếu tố giúp vàng giảm giá tạm thời là trạng thái lạc quan của thị trường sau Hội nghị G20 tại Osaka (Nhật Bản), Mỹ - Trung tuyên bố có thể nối lại đàm phán, Mỹ  nới trừng phạt với hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc và Trung Quốc đáp lại bằng lời hứa sẽ tăng mua hàng nông sản Mỹ. Phản ứng với diễn biến này, giá vàng trên thế giới đã có lúc xuống dưới mức 1.390 USD/oz và giá vàng miếng SJC bán ra trong nước xuống dưới 39 triệu đồng/lượng. 

Diễn biến khó đoán định

Dự báo về diễn biến giá vàng trong ngắn hạn, ông Trần Thanh Hải nói: “Không ai lường trước được các biến động địa chính trị trên thế giới, đặc biệt là căng thẳng giữa Mỹ và Iran hiện nay. Do đó, giá vàng có thể tiếp tục tăng giảm xung quanh ngưỡng 1.400 USD/oz”.

Về trung và dài hạn, theo vị Chủ tịch VGB, giá vàng thế giới đang có một số yếu tố hỗ trợ, đáng chú ý là tín hiệu không tăng, thậm chí có thể giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Theo đó, cung tiền trên thị trường sẽ tăng dẫn đến lạm phát có thể tăng, từ đó, vàng có thể được lựa chọn làm kênh trú ẩn.

Việt Nam nhập khẩu vàng khá nhiều, do đó, giá vàng trong nước chắc chắn chịu tác động của giá vàng thế giới. Thống kê từ các sàn giao dịch vàng thế giới cho thấy, giá vàng thế giới đã tăng hơn 8% trong quý II và tăng trên 8% trong tháng 6, ghi nhận mức tăng theo tháng cao nhất từ tháng 6/2016 đến nay.

Ông Hải cho rằng: “Giá vàng tăng mạnh như vậy có thể khiến nhiều người có ý định chuyển hướng đầu tư sang vàng để sinh lời. Cần cẩn trọng với điều này bởi tình hình địa chính trị thế giới vẫn khó đoán định. Những người có tiền nhàn rỗi và muốn đa dạng hóa cơ hội sinh lời và chia sẻ rủi ro thì việc mua vàng là có thể hiểu được. Còn việc vay mượn để đầu tư vào vàng là cần xem xét thấu đáo”.

Tin cùng chuyên mục