Giá vàng sáng 21/3 giảm 200 nghìn đồng/lượng

0:00 / 0:00
0:00
Sáng 21/3, giá vàng trong nước giảm 200 nghìn đồng/lượng, giao dịch quanh mốc 68,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng sáng 21/3 giảm 200 nghìn đồng/lượng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Giá vàng sáng 21/3 giảm 200 nghìn đồng/lượng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Tại thời điểm 8 giờ 38 phút, Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 67,7 - 68,7 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), không đổi ở chiều mua vào và giảm 200 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên ngày chủ nhật (20/3) hôm qua.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC không đổi so với chốt phiên hôm qua, niêm yết ở mức 67,8 - 68,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 67,9 - 68,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và không đổi ở chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.

Trước đó, giá vàng thế giới đã mất 2,8% trong cả tuần qua (từ 14 - 15/3), đánh dấu tuần giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 11/2021 tới nay.

Giá vàng đi xuống trong phiên 18/3 và ghi nhận mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 11/2021, sau khi nhu cầu đối với kim loại quý này bị ảnh hưởng bởi hy vọng về tiến triển trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine cùng tác động từ quyết định tăng lãi suất của Mỹ. Cụ thể, giá vàng kỳ hạn của Mỹ để mất 0,7% xuống 1.929,30 USD/ounce.

Ông David Jones, chiến lược gia thị trường tại Nền tảng giao dịch trực tuyến Capital.com cho biết, xu hướng đầu cơ đối với vàng đã hạ nhiệt ồ ạt trong 10 ngày qua khi cú sốc ban đầu từ xung đột Nga-Ukraine giảm dần, kéo theo nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn này.

Đồng ý với nhận định trên, nhà phân tích Edward Meir của Công ty Môi giới đầu tư ED&F Man Capital Markets cho biết, nếu có một lệnh ngừng bắn hoặc một thỏa thuận nào đó giữa Nga và Ukraine, giá vàng có thể giảm khá nhanh.

Nhìn chung, thị trường vàng thế giới đã có một tuần không mấy "rực rỡ" khi phải chịu nhiều yếu tố bất lợi như quyết định tăng lãi suất như dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), sự mạnh lên của đồng USD và các cuộc hòa đàm giữa Nga - Ukraine ghi nhận diễn biến tích cực./.

Tin cùng chuyên mục