Giá vàng vẫn trong xu hướng đi lên?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước các kế hoạch kích thích kinh tế lớn của các quốc gia trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiềm chế, giá vàng tiếp tục tăng sốc trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, chưa có dấu hiệu và chưa đến lúc lo ngại về sự dịch chuyển dòng vốn từ các kênh khác sang vàng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Đến 16h ngày 5/8, giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch Kitco ở mức 2.034,6 USD/oz, tăng 15,2 USD/oz, tương ứng mức tăng khoảng 2% so với phiên giao dịch trước đó. Cùng thời điểm tại thị trường Việt Nam, giá vàng SJC mua vào - bán ra được các công ty vàng bạc niêm yết ở mức 57,85 - 59,05 triệu đồng/lượng, tức là tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng so với đóng cửa phiên giao dịch trước đó.

Tính trong 1 tuần qua, giá vàng thế giới đã tăng hơn 93 USD/oz, giá vàng SJC tại Việt Nam đã tăng hơn 2,1 triệu đồng/lượng. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 30%, giá vàng SJC tại Việt Nam đã tăng khoảng 16,2 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng khoảng 38%. Như vậy, vàng trở thành một kênh đầu tư vừa hấp dẫn vừa tiếc nuối cho rất nhiều nhà đầu tư trên thị trường.

Bình luận về xu hướng tăng của giá vàng trên thị trường, giới phân tích thế giới cho rằng, nhà đầu tư đang tìm đến “vịnh” trú ẩn an toàn trước lo ngại về tình hình đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu được kiềm chế.

Bên cạnh đó, các bất ổn về địa chính trị trên thế giới đã góp phần đẩy đà tăng của giá vàng. Đáng chú ý, vụ nổ ở Beirut (Lebanon) ngày 4/8 khiến hơn 100 người chết và hàng ngàn người bị thương cũng là yếu tố gây bất an cho nhiều người dân, khiến giá vàng tăng.

Còn theo phân tích của ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), giá vàng thế giới đã tăng sốc khoảng 2% trong phiên giao dịch ngày 4/8, trong khi các chỉ số chứng khoán chủ chốt trên thị trường thế giới cũng vững đà tăng. Đây là diễn biến đáng chú ý trên thị trường tài chính và hàng hóa thế giới.

“Các gói kích thích kinh tế khá lớn được các quốc gia dự kiến tung ra cùng với thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần làm tăng kỳ vọng về khả năng phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế các nước, khiến chỉ số chứng khoán tăng. Tuy nhiên, khả năng vaccine ngừa Covid-19 sớm được đưa ra thị trường để các nền kinh tế hồi phục vững chắc vẫn là dấu hỏi với cả thế giới. Do đó, giới đầu tư đổ tiền vào cả kênh chứng khoán và vàng là điều có thể lý giải được trong bối cảnh hiện nay”, ông Hải chia sẻ.

Dự báo về giá vàng trong thời gian tới, theo vị chuyên gia này, trong nửa đầu tháng 8, có thể có phiên tăng giá, phiên giảm giá, song xu hướng chung vẫn là đi lên.

Trước diễn biến trong thời gian qua và dự báo xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới của giá vàng, có ý kiến quan ngại về khả năng vàng trở thành kênh thu hút lượng tiền lớn và tác động đến dòng tiền vào các thị trường khác. Ông Trần Thanh Hải cho biết, đà tăng sốc như vậy gần như chỉ thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và giới đầu tư chuyên nghiệp, còn người dân có tâm lý hoài nghi và thận trọng nên thị trường khá trầm lắng trong ngày 5/8. Do đó, các kênh đầu tư khác chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu giá vàng tiếp tục có các bước vượt ngưỡng tâm lý như thời gian qua thì giới đầu tư tổ chức và cá nhân chắc hẳn sẽ tính toán đến việc chia sẻ thêm cho kênh đầu tư vào vàng.

Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới trước các bất ổn địa chính trị và diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhưng chưa có dấu hiệu rõ rệt của việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các kênh khác sang vàng.

“Vàng là một kênh đầu tư khá rủi ro, đặc biệt khi thị trường trong xu thế bất ổn hiện nay. Việc đầu tư vào vàng còn tùy thuộc vào khả năng phân tích thị trường và khẩu vị rủi ro của giới đầu tư, tuy nhiên, không nên dùng đòn bẩy để đầu tư ở thời điểm này. Đồng thời, cũng chưa đến thời điểm lo ngại về sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các kênh khác sang vàng”, ông Lực nói.

Tin cùng chuyên mục