Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công tại các địa phương phía Nam gặp nhiều vướng mắc như giải phóng mặt bằng, hồ sơ thủ tục chuẩn bị đầu tư, giá vật liệu xây dựng tăng cao. Ảnh : Hoài Tâm |
Với lượng vốn đầu tư công bố trí theo kế hoạch hàng năm ở quy mô khoảng 4.000 tỷ đồng bao gồm cả nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn trung ương, tỉnh Đồng Tháp đang khê đọng lượng vốn đầu tư công khá lớn chưa thể giải ngân theo kế hoạch. Chỉ tính riêng số vốn ngân sách trung ương và vốn ODA năm 2021 chưa thể giải ngân đã hơn 834,3 tỷ đồng. Cần thông tin thêm rằng, nguồn vốn trung ương bố trí cho Đồng Tháp năm 2021 khoảng 1.992,4 tỷ đồng, địa phương này mới giải ngân hơn 1.158 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 58,12%.
Tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương (kể cả vốn ODA) sang năm 2022. Đáng lưu tâm, trong số vốn hơn 834,3 tỷ đồng xin kéo dài thời gian thực hiện có 59,7 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương năm 2020 được kéo dài sang năm 2021 và 11,5 tỷ đồng vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2019 được kéo dài sang năm 2021.
Lý giải tình trạng trên, tỉnh Đồng Tháp đưa ra 4 lý do. Đó là, diễn biến dịch Covid-19 phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai các dự án; quy trình giải phóng mặt bằng tốn nhiều thời gian và vốn bồi thường không được bố trí trong vốn chuẩn bị đầu tư; khan hiếm cát san lấp, đất đắp và giá vật liệu xây dựng tăng cao; một số dự án khởi công mới được giao vốn muộn nên thời gian giải ngân ngắn.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương chưa giải ngân hết sang năm 2022 là rất cần thiết bởi các dự án cơ bản đã hoàn thành, đang đẩy nhanh tiến độ thi công và cần vốn để thanh toán cho nhà thầu. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư của địa phương có hạn, dịch bệnh khiến địa phương bị hụt thu nên khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn để đầu tư các dự án.
Khê đọng vốn đầu tư công không phải là câu chuyện của riêng tỉnh Đồng Tháp, nhiều địa phương phía Nam cũng đang trong tình trạng tương tự. Đơn cử, tỉnh Bạc Liêu vừa đề nghị được kéo dài thời gian thực hiện giải ngân nguồn vốn trong kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2020 và 2021 sang năm 2022 với khoảng 370,3 tỷ đồng, lý do là ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chưa thể giải ngân hết. Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, danh mục các dự án đã hết thời gian giải ngân theo quy định, nhưng một số dự án vẫn chưa kết thúc và còn nhu cầu vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành. Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 đã cơ bản giao hết, không còn nguồn để cân đối.
Tại Kiên Giang, ngoài nguồn vốn năm 2021 xin kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2022, Tỉnh hiện còn 414,6 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2021 mà các sở, ngành, địa phương không có nhu cầu kéo dài thời gian thực hiện và phải chuyển sang nguồn vốn kết dư và bố trí lại.
Một địa phương khác có nguồn vốn đầu tư công kế hoạch năm 2021 chưa giải ngân khá lớn có nhu cầu kéo dài sang năm 2022 là tỉnh Bình Dương với khoảng 3.630 tỷ đồng.
Điểm qua tỷ lệ giải ngân năm 2021 của một số tỉnh, thành phía Nam như: Đồng Nai (61%), Bình Dương (61,5%), An Giang (59%), Đồng Tháp (66,76%), Kiên Giang (72,2%), Bạc Liêu (85,8%)…, có thể thấy số vốn chưa giải ngân là rất lớn. Hiện đa số các địa phương đều mong muốn kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn này.
Tính tới đầu tháng 5/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của nhiều tỉnh phía Nam còn ở mức khiêm tốn, trong khoảng từ 9% tới hơn 18%. Việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 tại các địa phương phía Nam đang vấp phải nhiều vướng mắc như giải phóng mặt bằng, hồ sơ thủ tục chuẩn bị đầu tư, giá vật liệu xây dựng tăng cao… Điều này khiến áp lực hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022 và nguồn vốn các năm trước dự kiến được kéo dài thời gian thực hiện là rất nặng nề, bởi thời gian còn lại của năm 2022 chỉ còn hơn 6 tháng.