“Giấy phép con” trong đấu thầu (Kỳ 1): Giấy phép thầu vẫn tồn tại?

Pháp luật về đấu thầu hiện hành quy định: “Nhà thầu nước ngoài được lựa chọn theo quy định của Luật Đấu thầu không phải xin cấp giấy phép thầu” (Điểm d Khoản 1 Điều 128 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2014). Để giúp chủ đầu tư, nhà thầu, nhà đầu tư và các bên liên quan hiểu rõ hơn về “giấy phép thầu” và thực hiện đúng quy định của pháp luật, Báo Đấu thầu tiếp tục giới thiệu loạt bài viết xung quanh vấn đề này.
Thông tin về tình trạng hiệu lực của Thông tư số 01/2012/TT-BXD trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp - ảnh chụp màn hình máy tính lúc 8h30 ngày 23/10/2015
Thông tin về tình trạng hiệu lực của Thông tư số 01/2012/TT-BXD trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp - ảnh chụp màn hình máy tính lúc 8h30 ngày 23/10/2015
IMG
Thủ tục cấp giấy phép cho nhà thầu nước ngoài trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng - ảnh chụp màn hình máy tính lúc 8h15 ngày 23/10/2015
IMG
Thủ tục cấp giấy phép cho nhà thầu nước ngoài trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng tỉnh Tuyên Quang - ảnh chụp màn hình máy tính lúc 8h20 ngày 23/10/2015

Tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, mục Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật cho biết tình trạng hiệu lực của các văn bản. Theo đó, Thông tư số 01/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 8/5/2012 hướng dẫn về thủ tục cấp giấy phép thầu và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam cho biết Thông tư vẫn còn hiệu lực (xem ảnh 1).

Cùng với đó, trên Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng trên cả nước vẫn có “Thủ tục cấp giấy phép thầu cho nhà thầu nước ngoài”. Theo đó, tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng (http://www.xaydung.gov.vn) nêu các thông tin liên quan đến thủ tục này, bao gồm: Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thầu đối với tổ chức (Điều 1 của Thông tư số 01/2012/TT-BXD, Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thầu đối với cá nhân (Điều 2 Thông tư); Điều chỉnh giấy phép thầu (Điều 4 Thông tư); Quy trình cấp giấy phép thầu (Điều 3 Thông tư); Quy định về báo cáo (Điểm 1 của Điều 6 Thông tư); Quy định về lập Văn phòng điều hành (Điều 7 Thông tư); Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép thầu đối với nhà thầu là tổ chức; Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép thầu đối với nhà thầu là cá nhân; Mẫu đơn đề nghị điều chỉnh giấy phép thầu; Mẫu giấy ủy quyền; Mẫu thông báo Văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài; Mẫu thông báo Văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài; Mẫu Báo cáo các công việc/dự án đã thực hiện; Mẫu Báo cáo tình hình hoạt động của nhà thầu nước ngoài (xem ảnh 2). 

Tại Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng tỉnh Tuyên Quang (http://tuyenquang.gov.vn:2222/XAYDUNG/TTHCDetail.aspx?TTHCID=50) có nêu tên thủ tục “Cấp giấy phép thầu cho nhà thầu nước ngoài là tổ chức nhận thầu các gói thầu thuộc dự án nhóm B, C” với “Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính” như sau: “Trường hợp đối với gói thầu thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng theo quy định của pháp luật về đấu thầu của Việt Nam: Đã trúng thầu hoặc được chọn thầu; đã có hợp đồng giao nhận thầu. Trường hợp đối với gói thầu thuộc đối tượng không bắt buộc áp dụng theo quy định của pháp luật về đấu thầu của Việt Nam: Đã trúng thầu hoặc được chọn thầu; đã có hợp đồng giao nhận thầu; có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc nhận thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam...” (xem ảnh 3).

Điều đáng nói là Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu có hiệu lực thi hành đã hơn 1 năm nay (kể từ ngày 15/8/2014). Tại Điểm d Khoản 1 Điều 128 của Nghị định này quy định: “Nhà thầu nước ngoài được lựa chọn theo quy định của Luật Đấu thầu không phải xin cấp giấy phép thầu”. Tuy nhiên, với những thông tin đăng tải trên các trang web chính thống của các cơ quan chức năng của Nhà nước như vậy, phải chăng thủ tục “cấp phép thầu” vẫn tồn tại bất chấp quy định của Chính phủ đã có hiệu lực thi hành?

Tin cùng chuyên mục