Gỡ khó trong mua sắm thiết bị, vật tư chống Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Qua phản ánh tình hình thực tế, một số địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh… đang thiếu trang thiết bị, vật tư y tế chống dịch Covid-19, đặc biệt là kit test nhanh. Trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh, có địa phương lúng túng trong việc triển khai mua sắm.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gần đây, Bắc Giang liên tục kêu gọi Trung ương và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, chi viện cho địa phương này trang thiết bị, vật tư y tế chống dịch Covid-19. Trong đó, cần tới 200.000 kit test nhanh virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, cán bộ mua sắm của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Bắc Ninh cho biết, gần 1 tháng qua, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 - 300 lượt bệnh nhân đến khám phải thực hiện xét nghiệm Covid-19. Trung bình mỗi tuần là hơn 1.000 lượt xét nghiệm. Đó là chưa kể nhu cầu test nhanh trong cộng đồng, các khu vực cách ly, công nhân các khu công nghiệp... Ngoài kit test nhanh, các loại thiết bị hồi sức cấp cứu, trang phục bảo hộ, khẩu trang, găng tay y tế, dung dịch sát khuẩn… cũng thiếu rất nhiều.

Nguyên nhân của sự thiếu hụt này, một số ý kiến cho rằng do doanh nghiệp trong nước sản xuất không kịp, cung không đủ cầu. Hoặc một số doanh nghiệp nhập khẩu phụ thuộc vào nhà máy sản xuất nước ngoài, cung ứng lượng hàng lớn cho toàn cầu, nên các đơn hàng bị chậm…

Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà sản xuất trong nước và nhà thầu nhập khẩu trang thiết bị, vật tư y tế ngừa dịch Covid-19 cho biết, họ có đủ hàng hóa, và luôn sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

Nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH Medicon khẳng định: “Nguồn cung của doanh nghiệp không thiếu và đủ năng lực để cung ứng ra thị trường đối với sản phẩm kit test nhanh Covid-19. Các nhân viên của Medicon luôn trực chiến tại Bắc Giang, Bắc Ninh…, sẵn sàng cung ứng khi có yêu cầu”.

Đối với nhà nhập khẩu, ông Vũ Hoàng Việt, nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH Avanta Diagnostics cho biết, Công ty có sẵn nguồn hàng, có thể đáp ứng đơn hàng vài chục nghìn kit test nhanh, thậm chí là hàng trăm nghìn trong vòng 1 tuần.

Hàng không thiếu, nhưng theo ý kiến của cả bên mua và bên bán, khó khăn nằm ở quyết định mua sắm của các đơn vị mua sắm công, nhiều nơi đang lúng túng, chần chừ và sợ sai khi triển khai mua sắm công…

Ông Việt cho biết, sản phẩm kit test nhanh hiện chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt khung giá bán, giá trúng thầu, bởi điều kiện sản xuất là phải làm nhanh nhất có thể, trong hoàn cảnh đại dịch toàn cầu vô cùng cấp bách. Mặt khác, thời hạn sử dụng của các sản phẩm rất ngắn, khi về đến Việt Nam và đến tay người sử dụng chỉ còn khoảng 6 tháng (50% tuổi thọ sản phẩm). Nếu để tồn kho lâu hơn thì sản phẩm đó bắt buộc phải hủy bỏ. “Thực tế, vào tháng 2/2021, chúng tôi đã phải hủy lô hàng nhập khẩu trong năm 2020 do hết hạn sử dụng”, ông Việt chia sẻ.

Do đó, ông Việt đề xuất, muốn đẩy nhanh việc mua sắm phục vụ công tác phòng dịch, nhà thầu cung ứng phải nhận được cam kết chắc chắn hơn từ phía đơn vị mua sắm như: cam kết về bố trí kinh phí, đặt cọc 30%, mua đủ số lượng đã đặt hàng và đúng thời hạn.

Còn phía đơn vị mua sắm, cán bộ phụ trách công tác mua sắm của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Bắc Ninh cho biết, các cấp có thẩm quyền cần có quy định cụ thể hơn hướng dẫn của Bộ Tài chính, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với việc mua sắm trong trường hợp đặc biệt này. Chẳng hạn như trường hợp mua sắm chưa có khung giá bán, giá trúng thầu, hay tỷ lệ dư thừa cho phép để bảo đảm dự phòng khi cần thiết (nếu không có dịch bệnh, mà quá hạn thì phải hủy bỏ)…

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục