Gỡ vướng vay tiêu dùng để hạn chế tín dụng đen

Phát triển cho vay tiêu dùng lành mạnh sẽ góp phần đẩy lùi các hình thức vay vốn phi chính thức, tín dụng đen tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm “Thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, những kết quả nghiên cứu tổng quan” do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG) tổ chức tại Hà Nội.

TS. Hồ Chí Dũng, Chủ nhiệm bộ môn Marketing, Viện Quản trị kinh doanh cho biết, các công ty tài chính hiện có nhiều lợi thế trên thị trường. Hơn nữa, nhu cầu và văn hóa tiêu dùng của người dân đã thay đổi nên đây sẽ là thị trường đầy tiềm năng.

Theo thống kê, hiện các tổ chức cho vay tiêu dùng tại Việt Nam bao gồm các ngân hàng thương mại, 15 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cấp phép hoạt động, các công ty tài chính không được cấp phép, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và các hình thức vay phi chính thức khác như họ, hụi, tín dụng đen…

Từ việc chọn mẫu ở các địa phương trong năm 2016, nhóm nghiên cứu rút ra kết luận lĩnh vực được khách hàng tập trung vay nhiều là vay mua điện thoại, xe máy, máy tính trả góp với các khoản giải ngân dưới 40 triệu đồng. Hình thức cho vay cũng đổi mới hơn khi cho vay tiền mặt qua bảng lương, theo hóa đơn tiền điện, giấy phép đăng ký kinh doanh… Đáng chú ý, theo nghiên cứu, nhiều người dân ở khu vực nông thôn, phụ nữ, những nhóm có thu nhập thấp hơn lại có xu hướng vay “hụi”, “họ” vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn hẳn mức trung bình.

Trong bối cảnh đó, một sự lựa chọn cho người tiêu dùng là các công ty tài chính, thủ tục vay rất linh hoạt, hồ sơ đơn giản, giải ngân nhanh chóng, với lãi suất từ 1,46-1,6%/tháng, thậm chí có nơi cho vay ở mức 0%. Theo nghiên cứu từ phía ngân hàng, các khách hàng trẻ có thu nhập khoảng 5-8 triệu đồng/tháng có mức vay tiêu dùng tương đối nhiều. Đối tượng này khi gặp khó khăn trong thủ tục vay ngân hàng thì thường vay từ các công ty tài chính.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, lãi suất vay vốn tại các công ty tài chính vẫn còn cao do chi phí hoạt động cao. Hơn nữa, các công ty này thường gặp khó khăn về nguồn vốn, mặc dù đã được phép phát hành chứng chỉ tiền gửi. Ngoài ra, mặc dù theo quy định mới của NHNN, các công ty tài chính được tự do quyết định lãi suất, đối tượng, thời gian vay vốn nhưng lại chưa có nguồn cung cấp dữ liệu khách hàng chính thống để các công ty này có những quyết sách phù hợp, bảo đảm an toàn vay.

Chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động cho vay trong thực tiễn, ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết, nhờ áp dụng một số kinh nghiệm từ Nhật Bản, thời gian cung cấp sản phẩm cho vay tiêu dùng được vận hành nhanh chóng, 15-20 phút là đã phê duyệt xong khoản vay. Hơn nữa, khách hàng có thể truy cập và ký hợp đồng trực tiếp trên website mà không cần đến tận nơi giao dịch, tránh phát sinh tiêu cực, vụ lợi, gây rủi ro cho các bên.

Tuy nhiên, chuyên gia pháp chế của MB cho rằng, vướng mắc của các công ty tài chính hiện nay chủ yếu là vấn đề pháp lý. Cụ thể, Thông tư 39 quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng và Thông tư 43 quy định về cho vay tiêu dùng của NHNN dù đã tạo được hành lang pháp lý tương đối rõ ràng nhưng vẫn còn những điểm vướng.

Ví dụ như các công ty tài chính mới thành lập thường gặp khó khăn về nguồn vốn, nên khó thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định của NHNN. Hay theo quy định cũ, công ty tài chính có thể cho vay một khoản đến 300 triệu, thì hiện nay, theo các thông tư mới chỉ cho vay được không quá 100 triệu (trừ vay mua nhà và ô tô), trong khi lãi suất các công ty tài chính lại khá cao so với ngân hàng.

Ngoài ra, một vấn đề nữa là vấn đề quản lý giá các mặt hàng cũng chưa chặt chẽ. Có những mặt hàng thường quảng cáo cho vay với lãi suất ưu đãi hay ở mức 0%, nhưng thực tế đã tính vào giá bán.

Còn ông Đinh Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho rằng, với các khoản vay lớn, các ngân hàng cho vay tiêu dùng hiện tại vẫn dựa nhiều vào tài sản thế chấp, vẫn còn e ngại tín chấp. Tuy nhiên, gần đây các ngân hàng đã có các cách tiếp cận thông tin tốt hơn để có thể thực hiện cho vay tín chấp.

Bên cạnh thực trạng nêu trên, các chuyên gia cho rằng, hành vi tiêu dùng người Việt Nam đã thay đổi khá nhiều so với 5 năm trước đây. Đời sống nâng cao, nhiều người Việt Nam có xu hướng cập nhật khá nhanh các hàng hoá tiêu dùng “thời thượng” trên thế giới như điện thoại thông minh, máy tính hiện đại… Điều này góp phần làm dịch vụ cho vay tiêu dùng phát triển và trở nên phổ biến.

Bên cạnh những tiềm năng, cơ hội, thách thức đối với cho vay tiêu dùng cũng ngày càng lớn bởi việc sử dụng mạng xã hội sẽ cho ra đời những phương thức cho vay và thu hồi nợ mới. Do đó, sẽ có sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty tài chính cho vay tiêu dùng truyền thống với các công ty tài chính công nghệ cao. Trong tương lai gần, các công ty tài chính cần có động thái giảm lãi suất, tăng chất lượng dịch vụ, đầu tư cho công nghệ, phát triển các điểm giao dịch cũng như các phương thức giao dịch hiện đại, thuận tiện hơn. Hành lang pháp lý cũng cần tiếp tục hoàn thiện để dịch vụ này phát triển tốt hơn, hài hòa lợi ích của khách hàng, các ngân hàng và công ty tài chính.

Tin cùng chuyên mục