Gói thầu 3.000 tỷ đồng mở rộng Thủy điện Hòa Bình: Nhà thầu “khẩn thiết” mong gỡ khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng 47 - Công ty CP Lilama 10 đang dồn lực để đưa Gói thầu số 1XL-HB Thi công xây lắp công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng hơn 3.000 tỷ đồng về đích trong năm 2025. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch, Tổng giám đốc Xây dựng Trường Sơn - đại diện Liên danh, các nhà thầu rất nỗ lực nhưng càng làm lại càng lỗ, rất cần được cấp thẩm quyền vào cuộc tháo gỡ khó khăn.
Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng 47 - Công ty CP Lilama 10 trúng Gói thầu số 1XL-HB Thi công xây lắp công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng với giá 3.071,509 tỷ đồng
Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng 47 - Công ty CP Lilama 10 trúng Gói thầu số 1XL-HB Thi công xây lắp công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng với giá 3.071,509 tỷ đồng

“Khóc ròng” vì chi phí đội 20 - 25%

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Hữu Ngọc cho biết, Tổng công ty đang tham gia thi công một số gói thầu xây lắp thủy điện lớn, trong đó có Gói thầu số 1XL-HB thuộc Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng có quy mô hơn 9.200 tỷ đồng.

Liên danh do Xây dựng Trường Sơn đứng đầu trúng Gói thầu số 1XL-HB với giá 3.071,509 tỷ đồng. Hợp đồng được Liên danh và Tập đoàn Điện lực (EVN) ký kết ngày 15/12/2020 với thời gian thực hiện hợp đồng 44 tháng, loại hợp đồng theo đơn giá cố định.

Gói thầu có tính chất phức tạp, điều kiện thi công trong lòng thành phố, phạm vi khối lượng thi công rất rộng, gồm xây dựng công trình thủy điện, 2 đường hầm dẫn nước và lắp đặt toàn bộ thiết bị nhà máy và đường ống áp lực bằng thép trong hầm. Gói thầu này có giao diện ảnh hưởng tới toàn bộ gói thầu khác, quyết định tiến độ hoàn thành chung Dự án.

Ngay sau khi nhận mặt bằng thi công, các thành viên trong Liên danh đã huy động thiết bị, nhân lực, tập kết vật tư, vật liệu để triển khai thi công đạt tiến độ. “Chúng tôi đang dồn lực thi công 3 ca 4 kíp nhằm đưa công trình về đích”, ông Ngọc cho biết.

Tuy nhiên, theo Tư lệnh Binh đoàn 12, quá trình thi công các nhà thầu gặp nhiều khó khăn nằm ngoài tầm kiểm soát, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ gói thầu và hiệu quả sản xuất kinh doanh. “Tổng công ty đang phải bù lỗ chi phí từ 20 - 25% đơn giá trúng thầu. Sau khi công trình hoàn thành, chúng tôi bù lỗ hơn 280 tỷ đồng. Điều này đặt doanh nghiệp vào tình thế rất khó khăn...”, ông Ngọc cho biết.

Ông Cao Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng 47 cho biết, thời điểm mời thầu Gói thầu số 1XL-HB, giá nhiên liệu chỉ khoảng 11.000 - 12.000 đồng/lít xăng nhưng đến nay đã trên 18.000 đồng/lít, thậm chí có thời điểm tăng trên 27.000 đồng/lít. Giá một số vật liệu chính như thép, xi măng... cũng tăng phi mã. Theo tính toán, giá trị tăng thêm đối với phần khối lượng còn lại lập theo đơn giá mới của Nhà thầu là trên 175 tỷ đồng.

Đại diện Công ty CP Lilama 10 cho biết, biến động giá thời gian vừa qua đã tác động rất bất lợi đối với Nhà thầu, nhất là chi phí nhân công. Theo Lilama 10, giá trị đối với phần khối lượng còn lại lập theo đơn giá mới của Nhà thầu tăng khoảng 40 - 50% so với đơn giá trúng thầu.

Đâu là nguyên nhân?

Đề cập về nguyên nhân dẫn đến đội giá, ông Nguyễn Hữu Ngọc chia sẻ, đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tổ chức thi công, kéo chậm tiến độ thực hiện Dự án và làm tăng chi phí. Ngoài ra, do địa chất thay đổi từ đá sang đất nên phải hiệu chỉnh lại thiết kế, nhà thầu phải dừng thi công chờ xử lý; khối lượng đào đất tăng thêm do địa chất thay đổi; khu vực nhà máy cũng phải chờ điều chỉnh lại mái ta luy. Đến ngày 15/7/2021, các bên mới thống nhất thiết kế để tiếp tục thi công.

Đặc biệt, từ ngày 10 - 18/10/2021, đợt mưa kéo dài tại TP. Hòa Bình đã gây sạt lở nghiêm trọng tại khu vực Nhà máy. Ngày 5/11/2021, Thủ tướng có chỉ đạo tạm dừng thi công toàn bộ Dự án để xử lý sạt trượt hố móng. Do đó, hàng trăm xe máy, thiết bị cùng hàng nghìn con người phải chờ đợi, chi phí vẫn phát sinh.

Thời điểm các nhà thầu thi công trở lại, giá nhiên liệu, vật tư, vật liệu, nhân công tăng đột biến mà nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cộng thêm tác động của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine. Đơn giá ở thời điểm tháng 6/2022 tăng mạnh so với thời điểm đấu thầu.

Cụ thể, đơn giá thép D ≤10mm tăng 34%, từ 13.441 đồng/kg lên 18.031 đồng/kg; thép D ≤18mm tăng 48%, từ 13.341 đồng/kg lên 19.731 đồng/kg; thép hình tăng 69%, từ 13.125 đồng/kg lên 22.150 đồng/kg; dầu diesel tăng 139%, từ 11.227 đồng/lít tăng lên 26.876 đồng/lít...

“Gói thầu này được ký kết loại hợp đồng theo đơn giá cố định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại có nhiều yếu tố biến động khách quan, nhưng chưa được tháo gỡ kịp thời (chào lại đơn giá mới đối với phần khối lượng còn lại) khiến các nhà thầu điêu đứng”, đại diện Liên danh nhà thầu lên tiếng.

Cấp thiết gỡ khó nhà thầu

Theo đại diện Liên danh nhà thầu, căn cứ vào các yếu tố bất khả kháng ngoài tầm kiểm soát và không thể lường trước của các bên nêu trên, đồng thời căn cứ vào mục E-ĐKC 35 của Hợp đồng; Nghị định số 50/2021/NĐ-CP (Mục 2 Điều 36) về nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng xây dựng và theo Luật Xây dựng cùng các văn bản liên quan, Liên danh đã nhiều lần có văn bản gửi Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án điện 1 và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị cho phép áp dụng điều khoản hợp đồng và bổ sung một số nội dung do nguyên nhân bất khả kháng đối với Gói thầu. Trong đó, đề nghị cho phép được áp dụng điều chỉnh giá, bù trượt giá các loại vật tư, vật liệu chính và nhân công tại thời điểm thi công tại thời điểm thi công theo mục E- ĐKC 35 của Hợp đồng ký năm 2020. Bổ sung kinh phí chờ đợi, huy động lại lực lượng thi công do nguyên nhân chờ xử lý sạt trượt hố móng Nhà máy phải tạm dừng thi công cả Dự án. Đồng thời, xây dựng lại tiến độ, biện pháp thi công tổng thể của Dự án và bổ sung các biện pháp bảo đảm tiến độ tổng thể điều chỉnh...

Phương án tháo gỡ nêu trên đã được Liên danh đề xuất nhiều lần lên Ban Quản lý dự án điện 1, EVN, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng đến nay những “nút thắt” đó vẫn còn nguyên. “Hiện chúng tôi đang nỗ lực thi công để bảo đảm tiến độ, chất lượng Gói thầu, nhưng nhà thầu phải trả giá rất đắt về hiệu quả kinh tế. Các nhà thầu càng làm càng lỗ. Đây là nghịch lý”, ông Ngọc lo lắng.

Trong quá khứ, ở giai đoạn 2005 - 2008, ảnh hưởng khủng hoảng tài chính thế giới khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà thầu trong nước gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà thầu thua lỗ lớn do trượt giá, nhất là ở những công trình áp dụng hợp đồng trọn gói và theo đơn giá cố định. Trước tình hình đó, các bộ, ngành đã thành lập đoàn công tác, nắm bắt tình hình cụ thể tại các công trình, từ đó kiến nghị lên cấp thẩm quyền biện pháp tháo gỡ. Ngay sau đó, Chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể và cơ quan chức năng đã ban hành văn bản hướng dẫn bù giá đối với từng loại hợp đồng. Việc tháo gỡ này phần nào gánh một phần lỗ cho nhà thầu.

Hiện Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ đạo về tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà thầu liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia. Mong rằng cấp có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn các bên cùng chủ đầu tư cùng vào cuộc tháo gỡ phần nào khó khăn, tránh đẩy nhà thầu vào nguy cơ thua lỗ, phá sản.

Tin cùng chuyên mục