Gói thầu 44 tỷ đồng tại Thừa Thiên Huế: Chiếm ưu thế về giá, Vinh Long bất ngờ bỏ cuộc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu số 14 thuộc Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng - giai đoạn 2, Dự án thành phần Thừa Thiên Huế vừa chọn được nhà thầu. Gói thầu ghi nhận sự cạnh tranh sát sao, khi 3 nhà thầu tham dự đều được đánh giá tương đồng về năng lực.
Gói thầu số 14 Xây dựng mới và nâng cấp một số hạng mục hạ tầng du lịch tại huyện Phú Lộc có giá gói thầu là 44,692 tỷ đồng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Gói thầu số 14 Xây dựng mới và nâng cấp một số hạng mục hạ tầng du lịch tại huyện Phú Lộc có giá gói thầu là 44,692 tỷ đồng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu số 14 Xây dựng mới và nâng cấp một số hạng mục hạ tầng du lịch tại huyện Phú Lộc có giá gói thầu là 44,692 tỷ đồng, sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á. Gói thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Dự án thành phần Thừa Thiên Huế làm bên mời thầu, được đấu thầu cạnh tranh trong nước (NCB), mở thầu ngày 20/9/2021. Có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), gồm: Công ty CP Xây lắp và Thương mại An Bảo; Liên danh Công ty CP Quản lý đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế - Công ty CP Đường bộ I Thừa Thiên Huế; Công ty CP Vinh Long.

Kết quả đánh giá về năng lực, kinh nghiệm cho thấy, các nhà thầu đều đáp ứng các yêu cầu về doanh thu xây dựng bình quân 3 năm gần nhất; hợp đồng tương tự; nguồn lực tài chính cho Gói thầu. Theo đó, 3 nhà thầu đủ điều kiện bước vào giai đoạn đánh giá kỹ thuật.

Tại bước đánh về kỹ thuật, HSDT của các nhà thầu được Tổ chuyên gia xác định có một số thiếu sót. Theo đó, đối với phương pháp thi công, Tổ chuyên gia đánh giá mô tả phương pháp nạo vét bùn của các nhà thầu đều không thể hiện đầy đủ, chi tiết cách thức quản lý và xử lý bùn sau khi nạo vét từ các hồ, sông. Theo đánh giá, đây là sự thiếu sót không trọng yếu nhưng cần làm rõ trước khi trao hợp đồng.

Về tiến độ huy động nhân sự và thiết bị, các nhà thầu chưa tính đến điều kiện thời tiết ở Huế có mùa mưa kéo dài 5 tháng (thường từ tháng 2 - 9 hàng năm), không phù hợp để đào đắp như đề xuất trong tiến độ thi công của các nhà thầu. Tuy nhiên, Tổ chuyên gia cũng đánh giá đây là thiếu sót không trọng yếu, Chủ đầu tư có thể yêu cầu nhà thầu trúng thầu rà soát, điều chỉnh tiến độ huy động nhân sự trước khi triển khai thực hiện hợp đồng.

Như vậy, các nhà thầu đều được đánh giá cơ bản đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật của hồ sơ mời thầu.

Không chỉ tương đồng về năng lực, kinh nghiệm và kỹ thuật, các nhà thầu tham dự cũng cạnh tranh gay gắt về giá khi 2 trong số 3 nhà thầu có thư giảm giá. Là nhà thầu có lợi thế khi dự thầu với giá thấp nhất, song ngày 18/10/2021, Công ty CP Vinh Long có công văn xin rút HSDT. Được biết, Nhà thầu có giá dự thầu sau giảm giá là 39,579 tỷ đồng (thư giảm giá 11,4%).

Trong số 2 nhà thầu còn lại, Liên danh Công ty CP Quản lý đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế - Công ty CP Đường bộ I Thừa Thiên Huế chào giá 43,448 tỷ đồng và không có thư giảm giá.

Với việc giảm giá 5% trên giá dự thầu thông qua thư giảm giá, Công ty CP Xây lắp và Thương mại An Bảo được lựa chọn trúng thầu với giá 42,554 tỷ đồng.

Được biết, tháng 4/2021, cùng tại Dự án nêu trên, Công ty CP Xây lắp và Thương mại An Bảo là nhà thầu trúng Gói thầu số 12 Xây dựng và nâng cấp hạ tầng giao thông đến điện Hòn Chén, với giá trúng thầu 18,413 tỷ đồng, giảm 0,3% so với giá gói thầu. Bên cạnh đó, An Bảo cũng là nhà thầu thi công Gói thầu TIIG-VIE-W03 thuộc Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng, dự án thành phần tỉnh Hà Tĩnh, trúng thầu tháng 8/2018, với giá trúng thầu là 121,044 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhà thầu được lựa chọn trúng một số gói thầu xây dựng dân dụng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, quy mô từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục