Gói thầu Xây lắp và thiết bị Trung tâm thể dục thể thao huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) yêu cầu nhà thầu đề xuất giấy phép khai thác mỏ cát, đất đắp còn hiệu lực. Ảnh minh họa: P. An |
Gói thầu nêu trên có giá 61,574 tỷ đồng (trên tổng mức đầu tư của Dự án là 75 tỷ đồng), do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Lệ Thủy làm Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.
Ngay khi HSMT được công bố, nhà thầu đã có văn bản gửi Bên mời thầu phản ánh về một số tiêu chí của HSMT.
Theo đó, về nhân sự chủ chốt, HSMT quy định, chỉ huy trưởng có trình độ chuyên môn ngành xây dựng dân dụng từ đại học trở lên; có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát hạng III trở lên thuộc lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng; có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) hoặc hành nghề thi công về PCCC hoặc tối thiểu đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức PCCC và cứu hộ cứu nạn.
Nhà thầu cho rằng, tại gói thầu này, PCCC chỉ là một hạng mục nhỏ, việc gom nhiều dạng chứng chỉ/chứng nhận chuyên ngành vào chức danh chỉ huy trưởng như tại HSMT sẽ dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu, vi phạm quy định tại điểm k khoản 6 Điều 16 và khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu 2023; đồng thời không phù hợp với điều kiện hành nghề chỉ huy trưởng theo quy định tại Điều 74 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP. “Đối với hạng mục PCCC, nếu cần thiết, các nhà thầu có thể bố trí một chức danh cán bộ phụ trách thi công PCCC độc lập với chức danh chỉ huy trưởng công trình”, Nhà thầu đề xuất.
Ngoài ra, Nhà thầu chỉ ra việc HSMT yêu cầu tất cả các vị trí nhân sự chủ chốt đều phải có hợp đồng lao động với nhà thầu để chứng minh khả năng huy động là vi phạm quy định tại Phụ lục 8 Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT.
Tại tiêu chuẩn kỹ thuật (phương pháp đạt/không đạt), HSMT quy định: “Đối với vật liệu cát, đất đắp, nhà thầu phải đề xuất giấy phép khai thác mỏ còn hiệu lực được cấp có thẩm quyền cấp để chứng minh không phải mỏ khai thác trái phép và đảm bảo trữ lượng theo khối lượng mời thầu”. Phản đối yêu cầu này, Nhà thầu cho rằng, các loại vật liệu như cát, đá, đất đều là vật liệu thông thường, việc yêu cầu “giấy phép khai thác còn hiệu lực” sẽ tạo rào cản, thu hẹp phạm vi dự thầu đối với các nhà thầu, đặc biệt là nhà thầu ngoài địa bàn thực hiện Gói thầu. Mặt khác, đối với vật liệu, pháp luật về đấu thầu chỉ yêu cầu nhà thầu đề xuất tại hồ sơ dự thầu hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung cấp, mà không quy định các tài liệu/giấy tờ chứng minh nguồn cung thuộc quyền sở hữu của bên thứ ba (nhà cung cấp).
Ngày 5/4/2024, Bên mời thầu có văn bản phúc đáp đề nghị làm rõ của nhà thầu. Theo đó, đối với nhân sự chủ chốt, Bên mời thầu chấp thuận phương án cho phép nhà thầu đề xuất một vị trí phụ trách công tác PCCC độc lập với vị trí chỉ huy trưởng như đề xuất. Các tiêu chí còn lại đều được giữ nguyên.
Theo một chuyên gia về đấu thầu, vật tư/vật liệu của công trình xây dựng thường được chia ra làm 2 nhóm (nhóm đặc thù và nhóm thông thường), trong đó, đất, cát, đá đều thuộc nhóm vật liệu thông thường (vật liệu rời, cốt liệu...). Do tính chất thông thường nên các vật liệu này sẽ phải thí nghiệm chuyên ngành lại trước khi đưa vào xây dựng công trình. Thậm chí, tại thời điểm đưa vật liệu vào công trình, nhà thầu được quyền thay đổi đơn vị cung cấp để có vật liệu đáp ứng tiêu chuẩn và chất lượng theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Vì vậy, tài liệu chứng minh như giấy phép khai thác mỏ không cần thiết yêu cầu trong giai đoạn đấu thầu.
“Dưới góc độ pháp luật đấu thầu, nhà thầu chỉ cần đề xuất hợp đồng nguyên tắc hoặc cam kết về tính sẵn sàng cung ứng vật liệu, mà không cần chứng minh nguồn gốc hay giấy phép khai thác mỏ tại bước dự thầu. Do đó, yêu cầu các dạng tài liệu này trong giai đoạn đấu thầu là không phù hợp”, vị chuyên gia bình luận.
Được biết, Gói thầu sẽ được mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật vào ngày 17/4/2024. Với điều chỉnh như trên, Gói thầu liệu có thu hút được nhiều nhà thầu tham dự?