Chào cùng một thiết bị với nhà thầu trúng thầu, giá thấp hơn gần 8%, nhưng thiếu GPBH của nhà sản xuất, một nhà thầu đã bị loại. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Gói thầu có dự toán 2,605 tỷ đồng, thu hút 4 nhà thầu tham dự. Nhà thầu được lựa chọn là Công ty CP Công nghệ 3C Việt Nam, với giá trúng thầu 2,599 tỷ đồng. Thiết bị mà Công nghệ 3C Việt Nam sẽ cung cấp là bộ chuyển mạch của hãng Cisco, ký hiệu C9200L-48T-4X-E, số lượng 10 chiếc và mỗi chiếc giá 259,93 triệu đồng.
Trong số 4 nhà thầu tham dự, Công nghệ 3C Việt Nam đưa ra giá dự thầu cao thứ hai. Nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất (2,395 tỷ đồng) bị loại vì không có GPBH của nhà sản xuất đối với các thiết bị chào thầu; không có cam kết hỗ trợ kỹ thuật của hãng sản xuất trong thời gian triển khai và bảo hành thiết bị được chào cho Gói thầu. 2 nhà thầu bị loại còn lại gồm Công ty CP Giải pháp Siêu Việt và Công ty CP TMT công nghệ cao.
Theo phản ánh của nhà thầu chào giá thấp nhất (gọi tắt là Nhà thầu), trong quá trình so sánh đối chiếu tiêu chuẩn kỹ thuật để lựa chọn thiết bị chào thầu đáp ứng hồ sơ mời thầu (HSMT), thì chỉ dẫn đến thiết bị của hãng Cisco đáp ứng đủ tất cả tiêu chuẩn kỹ thuật, cụ thể là thiết bị chuyển mạch Cisco C9200L-48T-4X-E. Trong hồ sơ dự thầu (HSDT), Nhà thầu đã chào sản phẩm này và đã cung cấp Giấy xác nhận của Công ty TNHH Phân phối Synex FPT - đại lý chính thức chuyên phân phối và bảo hành sản phẩm của hãng Cisco tại Việt Nam, cam kết cung cấp thiết bị của hãng Cisco cho Gói thầu. Synex FPT cam kết toàn bộ sản phẩm cung cấp là chính hãng, được hưởng dịch vụ bảo hành và các hỗ trợ khác theo chế độ bảo hành, hỗ trợ sản phẩm của nhà sản xuất áp dụng thống nhất tại thị trường Việt Nam. Synex FPT cũng gửi kèm giấy xác nhận về việc Synex FPT là nhà phân phối chính thức của Cisco tại Việt Nam.
Về phía Nhà thầu, dù đã liên hệ nhà sản xuất để xin cấp GPBH nhưng chưa có câu trả lời chính thức.
Thiết bị chuyển mạch Cisco C9200L-48T-4X-E, theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, được bán rộng rãi trên thị trường. Nhiều nhà cung cấp cho biết, thiết bị này đã được công bố tiêu chuẩn kỹ thuật và chính sách bảo hành chính hãng theo tiêu chuẩn toàn cầu trên website của nhà sản xuất.
Một cán bộ của Bên mời thầu cho biết, dù thiết bị cần cung cấp của Gói thầu không thực sự là hàng hóa đặc thù, nhưng vì muốn bảo đảm hàng chính hãng, với chế độ bảo hành tốt trong 3 năm, nên HSMT đã đưa thêm yêu cầu GPBH. Nhiều gói thầu mua thiết bị khác của TTCNTT đều có yêu cầu GPBH.
Theo chuyên gia về đấu thầu, đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất thì không yêu cầu nhà thầu phải nộp GPBH của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương. Đối với hàng hóa đặc thù, phức tạp, cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế và các dịch vụ liên quan khác thì trong HSMT có thể yêu cầu nhà thầu tham dự thầu phải cung cấp GPBH của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương. Nếu hàng hóa không phải là đặc thù, phức tạp, gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng thì việc yêu cầu cung cấp GPBH có thể dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu, vi phạm quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP.
Công ty CP Công nghệ 3C Việt Nam đã từng trúng một số gói thầu tại Agribank, trong đó có Gói thầu Trang bị máy tính cho TTCNTT cũng do TTCNTT của Agribank mời thầu. Gói thầu này có kết quả lựa chọn nhà thầu vào tháng 11/2020, giá gói thầu là 1,735 tỷ đồng và giá trúng thầu là 1,733 tỷ đồng. Ở gói thầu này, Công nghệ 3C Việt Nam cung cấp 15 máy tính để bàn thương hiệu Dell Optiplex 5080 SFF, case xuất xứ Malaysia, monitor xuất xứ Trung Quốc, đơn giá 26,576 triệu đồng; 45 máy tính xách tay Dell Latitutde 5410 với đơn giá 29,667 triệu đồng. Đối thủ bị loại tại Gói thầu này cũng là Công ty CP Giải pháp Siêu Việt.