Ảnh minh họa: Internet |
Theo ý kiến của nhà thầu, yêu cầu vượt quy định này đã làm khó, hạn chế sự tham gia của nhà thầu.
Gói thầu số 59 Cung cấp thiết bị vận tải các lò chợ khu Khe Chàm I thuộc Dự án Khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm II - IV do Công ty Than Hạ Long - TKV làm chủ đầu tư. Gói thầu có giá trị trên 40 tỷ đồng, đấu thầu rộng rãi trong nước, thời gian phát hành HSMT theo công bố lần đầu từ 9 giờ 00 ngày 9/7/2018 đến 9 giờ 00 ngày 30/7/2018.
Theo nhà thầu đã mua HSMT, tại bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của HSMT gói thầu này quy định: Giá trị tài sản ròng của nhà thầu phải dương, năm sau lớn hơn năm trước. Nhà thầu cho rằng quy định này hạn chế nhà thầu, gây ra cạnh tranh không bình đẳng. “Chúng tôi đã tham dự rất nhiều gói thầu nhưng các bên mời thầu chỉ quy định giá trị tài sản ròng của nhà thầu phải dương”, một nhà thầu chia sẻ.
Nhà thầu cũng đã gửi công văn đến Chủ đầu tư từ ngày 23/7, kiến nghị bỏ quy định giá trị tài sản ròng năm sau lớn hơn năm trước. Tuy nhiên, đến thời điểm đóng thầu lần đầu (30/7/2018) vẫn chưa nhận được phản hồi của Chủ đầu tư. Đến thời điểm đóng thầu, Nhà thầu vẫn nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), sau đó có nhận được thông báo gia hạn thời điểm đóng thầu đến 9h00 ngày 6/8/2018. Tới ngày 2/8/2018, Nhà thầu cho biết vẫn chưa nhận được công văn trả lời kiến nghị.
Thông tin tới Báo Đấu thầu ngày 2/8/2018, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Khe Chàm II - IV thuộc Công ty Than Hạ Long - TKV cho biết, đã nhận được công văn đề nghị sửa đổi HSMT của Nhà thầu. Đến thời điểm đóng thầu lần đầu (9h ngày 30/7/2018), ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, có 3 nhà thầu mua HSMT và chỉ có một nhà thầu nộp HSDT. Nhà thầu nộp HSDT chính là nhà thầu đã có kiến nghị sửa đổi HSMT. Do chỉ có 1 nhà thầu nộp HSDT, Chủ đầu tư đã quyết định gia hạn thời điểm đóng thầu đến ngày 6/8 để thu hút thêm nhà thầu tham gia.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, tổ chuyên gia có thể sẽ báo cáo, đề xuất gia hạn tiếp thời điểm đóng thầu và sửa đổi HSMT theo hướng quy định đúng theo mẫu của Bộ KH&ĐT, bỏ điều kiện “năm sau lớn hơn năm trước” như Nhà thầu đã kiến nghị. Chủ đầu tư cho rằng, việc đưa thêm điều kiện về giá trị tài sản ròng như vậy là để lựa chọn được nhà thầu có năng lực tài chính tốt, phù hợp với yêu cầu của gói thầu khá đặc thù, có giá trị khá lớn và thời gian thực hiện hợp đồng ngắn.
Theo một chuyên gia về đấu thầu, Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết lập HSMT mua sắm hàng hóa đã có hướng dẫn về tiêu chuẩn đánh giá năng lực tài chính. Trong đó, để chứng minh kết quả hoạt động tài chính lành mạnh thì giá trị tài sản ròng của nhà thầu trong năm gần nhất phải dương. Giá trị tài sản ròng được tính bằng tổng tài sản trừ đi tổng nợ, là chỉ tiêu phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp có lành mạnh hay không và khi giá trị này dương là đã bảo đảm.
Yêu cầu giá trị tài sản ròng dương, “năm sau lớn hơn năm trước” là làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Lấy lý do gói thầu lớn, đặc thù, phải cung cấp thiết bị trong thời gian ngắn để yêu cầu thêm về năng lực tài chính là không phù hợp. Để đáp ứng tính chất hàng hóa thuộc gói thầu thì phải dựa vào các tiêu chí về kỹ thuật như đặc tính kỹ thuật của hàng hóa, tiến độ cung cấp hàng hoá, giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa… Việc Chủ đầu tư bỏ tiêu chí giá trị tài sản ròng năm sau lớn hơn năm trước, thực hiện đúng quy định của mẫu HSMT là cần thiết để tăng thêm sự tham gia của nhà thầu, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.