Gói thầu của Đại học Y dược Cần Thơ: Lo bị cắt vốn, chủ đầu tư “gộp” các gói thầu

(BĐT) - Một gói thầu thuộc Dự án Trường Đại học Y dược Cần Thơ – dự án thực hiện từ năm 2003 đến nay chưa xong, đang bị một nhà thầu tư vấn đã từng tham gia thiết kế nhiều gói thầu của Dự án phản ánh là áp dụng hình thức gói thầu không phù hợp, có thể ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong đấu thầu.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Thực hiện EPC cho nhanh!

Trường Đại học Y dược Cần Thơ đang mời thầu Gói thầu HH-01/2016: Thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, khảo sát địa chất, thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị hạng mục: Nhà hiệu bộ - Hội trường. Thời gian phát hành HSTM từ 8 giờ ngày 19/10/2016 đến 9 giờ ngày 10/11/2016 (trong giờ hành chính).

Phản ánh đến Báo Đấu thầu, Công ty CP Tư vấn Công nghệ xây dựng và kiến trúc Á Châu cho rằng, việc chủ đầu tư mời thầu gói thầu trên theo hình thức EPC là không phù hợp quy định hiện hành, gói thầu không đủ điều kiện thực hiện theo hình thức EPC. Nhà thầu lo ngại, việc áp dụng hình thức EPC sẽ vi phạm yêu cầu về cạnh tranh trong đấu thầu.

Ông Sĩ, Phó Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Trường Đại học Y dược Cần Thơ cho biết, công trình nhà hiệu bộ thực hiện thiết kế hai bước. Thiết kế cơ sở đã được Bộ Xây dựng thẩm định, Bộ Y tế duyệt ngày 28/9/2016. Việc áp dụng hình thức EPC là để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân gói thầu, dự án. Theo ông Sĩ, vốn từ năm 2015 chưa giải ngân hết chuyển sang năm nay của Dự án này là 48 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao năm nay là 72 tỷ đồng. Lo ngại nếu không giải ngân được thì sẽ bị cắt vốn, nên chủ đầu tư đã trình Bộ Y tế nội dung gói thầu gồm nhiều hạng mục công việc để đẩy nhanh tiến độ và kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 5451/QĐ-BYT ngày 28/9/2016. “Bộ đã quyết định như vậy nên chúng tôi cứ làm thôi... Chúng tôi cũng có cái khó, nếu không làm nhanh là sẽ bị cắt vốn”, ông Sĩ giải thích.

Áp dụng EPC có phù hợp?

Theo Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được Bộ Y tế phê duyệt, Dự án Đầu tư xây dựng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ - Giai đoạn I có tổng mức đầu tư hơn 719 tỷ đồng. Gói thầu HH-01/2016 có giá gói thầu khoảng 121 tỷ đồng.

Một chuyên gia về đấu thầu cho biết, việc lựa chọn hợp đồng EPC phải tuân thủ các quy định của pháp luật và từ ngày 1/10/2016, Thông tư số 11/2016/TT-BKHĐT của Bộ KH&ĐT hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC) có hiệu lực đã quy định rõ về các trường hợp áp dụng mẫu hồ sơ mời thầu EPC. Theo đó, EPC được áp dụng đối với dự án phức tạp, có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và phải tuân thủ chặt chẽ tính đồng bộ, thống nhất từ khâu thiết kế đến khâu cung cấp thiết bị, thi công, đào tạo chuyển giao công nghệ, bảo hành, bảo trì dài hạn. EPC phù hợp với các công trình công nghiệp cơ khí, điện, dầu khí, hóa chất, xi măng, khai khoáng, cấp thoát nước, xử lý nước thải, rác thải mà việc thiết kế và sản xuất thiết bị không thể tách rời do yêu cầu cao của tính đồng bộ.

Thông tư 11/2016/TT-BKHĐT quy định rõ, không áp dụng hình thức EPC trong trường hợp có thể tách thành các gói thầu riêng biệt như thiết kế (E), cung cấp hàng hóa (P) và xây lắp (C) hoặc tách thành gói thầu thiết kế và cung cấp hàng hóa (EP), gói thầu xây lắp (C) để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia đấu thầu và thực hiện gói thầu.

Vị chuyên gia này nhận định, việc áp dụng tùy tiện hình thức EPC đối với cả những gói thầu đơn giản, không hề có tính phức tạp về mặt kỹ thuật, công nghệ như xây một công trình tòa nhà trụ sở cơ quan, là không cần thiết và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Mẫu HSMT gói thầu EPC quy định, về hợp đồng tương tự, nhà thầu phải đáp ứng tối thiểu một hợp đồng EPC với quy mô, tính chất tương tự gói thầu đang xét. Số lượng nhà thầu đã từng thực hiện hợp đồng EPC tại Việt Nam chắc chắn sẽ không nhiều bằng số lượng nhà thầu thực hiện trong từng lĩnh vực. Nếu tách riêng ra thành từng gói thầu riêng biệt, chắc chắn số lượng nhà thầu có thể đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm nhiều hơn, tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu. 

Tin cùng chuyên mục