Gói thầu Dịch vụ vệ sinh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Ảnh: NC st |
Gói thầu trên có giá 5,3 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 12 tháng, do Bệnh viện Ung bướu TP.HCM làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Tư vấn Vạn Thiên Phát làm bên mời thầu.
Trong thời gian phát hành HSMT (từ ngày 8 - 18/11/2022), một nhà thầu có ý kiến phản ánh trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia về việc HSMT đưa ra yêu cầu không đúng quy định pháp luật về đấu thầu. Cụ thể, mục 7.6 - Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật yêu cầu: “Nhà thầu không có vi phạm về gian lận (kê khai không trung thực hoặc làm giả hồ sơ… trong đấu thầu, dẫn đến bị xử phạt hoặc trong thời hạn bị cấm đấu thầu ở bất kỳ địa phương nào trên toàn quốc”. Trong khi đó, HSMT đã có mục 6 quy định về uy tín của nhà thầu thông qua việc tham dự thầu.
Nhà thầu phản ánh cho rằng, HSMT đưa ra quy định như trên là không thuộc phạm vi đánh giá uy tín của nhà thầu, không phù hợp, không đúng quy định pháp luật về đấu thầu, dẫn đến hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu.
Trả lời phản ánh của Nhà thầu, bà Trần Thị Hương Hội, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Vạn Thiên Phát cho rằng, yêu cầu trên phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu. Các nhà thầu phải đáp ứng được tất cả các yêu cầu trên thì mới được đánh giá là đạt.
Với việc Bên mời thầu giữ nguyên quan điểm, Nhà thầu phản ánh không tham dự Gói thầu, đồng thời gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng của TP.HCM.
Kết quả mở thầu ghi nhận 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), gồm: Công ty TNHH Dịch vụ xuyên Thái Bình (giá dự thầu 4,509 tỷ đồng); Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ An Lộc (giá dự thầu 5,208 tỷ đồng); Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Ý Nhân (giá dự thầu 5,258 tỷ đồng).
Trong 3 nhà thầu trên, Công ty TNHH Dịch vụ xuyên Thái Bình (địa chỉ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã trúng nhiều gói thầu dịch vụ vệ sinh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM từ năm 2016 đến nay, trong đó có những gói thầu do Công ty TNHH Tư vấn Vạn Thiên Phát mời thầu.
Cán bộ đấu thầu của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, hiện đang trong quá trình đánh giá HSDT của 3 nhà thầu. Dự kiến, việc lựa chọn nhà thầu sẽ hoàn tất trong tháng 12/2022, triển khai thực hiện hợp đồng từ năm 2023. Bệnh viện và đơn vị tư vấn đưa ra yêu cầu như trên là mong muốn chọn được nhà thầu có uy tín, có trách nhiệm để thực hiện Gói thầu tốt nhất.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, lãnh đạo Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho biết, Điểm a Khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu 2013 quy định, người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình. Nghĩa là chỉ áp dụng cấm thầu trong phạm vi thẩm quyền quản lý của người ra quyết định. Nhà thầu bị cấm thầu ở tỉnh A thì vẫn đủ tư cách hợp lệ để tham gia đấu thầu ở các tỉnh B, C…
TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu cho rằng, theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu 2013, chỉ có quyết định cấm thầu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có phạm vi áp dụng trên cả nước, còn các quyết định cấm thầu ở địa phương, ở một chủ đầu tư cụ thể chỉ áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương, của chủ đầu tư đó. Việc HSMT đưa ra yêu cầu bắt buộc không có vi phạm về đấu thầu, bị cấm thầu ở bất kỳ địa phương nào trên toàn quốc là không đúng tinh thần và quy định của pháp luật về đấu thầu, làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Để lựa chọn nhà thầu, HSMT có thể xây dựng thang điểm để đánh giá về uy tín của nhà thầu (mang tính chất khuyến khích hoặc trừ điểm những nhà thầu đang trong thời gian bị cấm thầu ở một địa bàn nào đó, một phạm vi nào đó), chứ không phải tiêu chí bắt buộc để loại nhà thầu.