Gói thầu duy tu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây: VEC sửa tiêu chí hạn chế cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu O&M-HLD-2024 Công tác duy tu bảo dưỡng và quản lý vận hành tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trong thời gian 24 tháng vừa được bên mời thầu (BMT) thông báo gia hạn đóng mở thầu với lý do điều chỉnh hồ sơ mời thầu (HSMT). Việc điều chỉnh này xuất phát từ một số kiến nghị của nhà thầu về việc HSMT có tiêu chí hạn chế cạnh tranh.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 55 km. Ảnh: Lê Tiên
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 55 km. Ảnh: Lê Tiên

Gói thầu trên có giá 62,9 tỷ đồng, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) mời thầu, phát hành HSMT từ ngày 16/2 - 5/3/2024.

Trong quá trình mời thầu, đã có 3 lượt ý kiến đề nghị làm rõ HSMT từ phía nhà thầu. Cụ thể, về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự (HĐTT), HSMT yêu cầu, hợp đồng có tính chất tương tự về cung cấp dịch vụ quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ cao tốc (bao gồm các hạng mục công việc: quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường, cây xanh, an toàn giao thông, nhà trạm thu phí, hệ thống điện, hệ thống ITS) có tốc độ khai thác tối đa 120 km/h trở lên và chiều dài tối thiểu 28 km.

Nhà thầu nêu quan điểm, các hạng mục công việc theo yêu cầu là quá chi tiết và cụ thể, gây khó khăn cho nhà thầu vì không phải tuyến cao tốc nào cũng được đầu tư đầy đủ các hạng mục trên. Bên cạnh đó, khối lượng công việc mời thầu chỉ thuần túy về mặt kỹ thuật, không liên quan đến tốc độ và chiều dài tuyến. Mặt khác, rất ít nhà thầu có thể đáp ứng quy định công trình tương tự “có tốc độ khai thác tối đa 120 km/h trở lên và chiều dài tối thiểu 28 km” vì hiện Việt Nam chỉ có 3 tuyến cao tốc có tốc độ khai thác tối đa 120 km/h (cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Ninh Bình đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình và cao tốc Long Thành - Dầu Giây).

Phúc đáp nhà thầu, VEC thông tin, ngoài 3 tuyến cao tốc nhà thầu liệt kê, còn các tuyến khác có tốc độ khai thác tối đa 120 km/h gồm: cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Vân Đồn - Móng Cái, Phan Thiết - Dầu Giây. Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được khai thác với tốc độ tối đa 120 km/h, do vậy phương án thực hiện quản lý vận hành, xử lý sự cố và điều hành giao thông trên tuyến phụ thuộc nhiều vào tốc độ khai thác của tuyến đường. Do đó, BMT lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm xử lý sự cố, điều hành giao thông trên tuyến đường có tốc độ khai thác tương đương với tuyến đường đang mời thầu.

BMT khẳng định, các hạng mục yêu cầu trong HĐTT là các hạng mục công việc chính của Gói thầu (giá trị yêu cầu của HĐTT và yêu cầu chiều dài tuyến đường là 50% giá trị dự toán công việc hàng năm và chiều dài thực tế tuyến đường đang khai thác), không bổ sung thêm bất kỳ yêu cầu hạng mục khác so với phạm vi công việc.

Không đồng thuận với phần trả lời của BMT, nhà thầu tiếp tục có văn bản đề nghị làm rõ, trong đó phân tích một số nội dung mà VEC thông tin thêm.

Cụ thể, trong 6 tuyến cao tốc khai thác với tốc độ tối đa 120 km/h, tuyến Vân Đồn - Móng Cái được nhà thầu phân tích là không đáp ứng yêu cầu do tuyến này được chia làm 2 phần độc lập (đoạn Vân Đồn - Tiên Yên dài 16 km sử dụng ngân sách tỉnh), nhà thầu đảm nhận công tác duy tu, bảo dưỡng và vận hành đoạn này nếu tham dự thì cũng bị loại vì tiêu chí chiều dài tuyến không đáp ứng yêu cầu của HSMT. Tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hiện trong giai đoạn bảo hành nên chưa có nhà thầu duy tu, bảo dưỡng, chưa có trạm thu phí. 4 tuyến còn lại thì có 1 nhà thầu thuộc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) thực hiện, còn lại là các đơn vị thuộc VEC thực hiện.

Bên cạnh đó, theo nhà thầu, khi thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, nhà thầu đều có các biển cảnh báo từ xa, các biển báo hạn chế tốc độ giảm dần (từ 120 km/h xuống 100 km/h, xuống 80 km/h, xuống 60 km/h, xuống 50 km/h tại vị trí thi công. Như vậy, dù tuyến đường có tốc độ khai thác tối đa bao nhiêu thì tốc độ cho phép tại vị trí thi công cũng chỉ dưới 50 km/h. Do vậy, HSMT yêu cầu công tác duy tu, bảo dưỡng trên đường có tốc độ khai thác tối đa 120 km/h là bất hợp lý và không phù hợp.

Với yêu cầu chiều dài tuyến tối thiểu là 28 km, nhà thầu cho rằng, việc duy tu, bảo dưỡng trên tuyến có chiều dài 15, 20, 25 km là giống nhau. Việc BMT cho biết HSMT yêu cầu chiều dài tuyến đường tương tự bằng 50% chiều dài thực tế tuyến đường đang khai thác (tương đương với 28 km) là không đúng với quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT và Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT (các thông tư này chỉ quy định 50% giá trị công việc xây lắp/từng công trình, hạng mục tương ứng của gói thầu đang xét).

Nhà thầu nêu quan điểm, chỉ có khoảng 2 - 3 nhà thầu đáp ứng tiêu chí của HSMT, trong đó chủ yếu là các đơn vị thành viên của VEC. Nhà thầu đề xuất BMT bỏ quy định chiều dài tuyến cao tốc và tốc độ khai thác tối đa để có nhiều nhà thầu tham dự, đảm bảo cạnh tranh.

Ngày 4/3, BMT đã có Quyết định phê duyệt điều chỉnh HSMT, trong đó sửa đổi tiêu chí HĐTT. Theo đó, bỏ quy định “chiều dài tối thiểu 28 km”. Quy định “tốc độ khai thác tối đa 120 km/h trở lên” chỉ áp dụng với hạng mục công việc quản lý vận hành. Đồng thời, gia hạn đóng thầu tới ngày 14/3/2024.

Tin cùng chuyên mục