Gói thầu EPC hơn 343 tỷ đồng tại TP.HCM: Rộng cửa cho nhiều nhà thầu tham dự

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 16/8/2021, Gói thầu Tư vấn thiết kế - Mua sắm vật tư thiết bị - Thi công xây dựng công trình (gói thầu EPC) thuộc Dự án Xây dựng Trung tâm Hội nghị 30-4 sẽ được mở thầu. Hồ sơ mời thầu (HSMT) của Gói thầu được nhà thầu đánh giá cao về độ mở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhà thầu tham dự.
Phối cảnh Dự án Xây dựng Trung tâm Hội nghị 30-4
Phối cảnh Dự án Xây dựng Trung tâm Hội nghị 30-4

Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt ngày 22/6/2021, chủ đầu tư của Dự án Xây dựng Trung tâm Hội nghị 30/4 là Văn phòng Chính phủ. Dự án có tổng mức đầu tư là 371.490.164.000 đồng. Gói thầu EPC có giá 343.169.608.677 đồng, phát hành HSMT từ ngày 26/7 đến 16/8/2021.

Văn phòng Chính phủ đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM làm bên mời thầu. Gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu thông qua đấu thầu rộng rãi, không qua mạng, thời gian thực hiện hợp đồng 16 tháng.

Ngày 31/7/2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản điều chỉnh một số nội dung của HSMT. Trong đó, loại hợp đồng của Gói thầu được điều chỉnh thành “trọn gói và đơn giá cố định”. Cụ thể, phần thiết kế, mua sắm vật tư áp dụng loại hợp đồng trọn gói; phần thi công xây dựng công trình áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định.

Do là một gói thầu xây dựng dân dụng có giá trị lớn, các tiêu chuẩn đánh giá của HSMT đang được nhiều nhà thầu quan tâm.

Thông tin đến Báo Đấu thầu, một nhà thầu chuyên thi công trong lĩnh vực xây dựng dân dụng cho biết, các tiêu chí của HSMT khá cởi mở, tuân thủ các quy định hiện hành. “Xét trên nhiều góc độ, đây là gói thầu có sức hấp dẫn với nhiều nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm ở mảng xây dựng dân dụng trên cả nước”, Nhà thầu nhận xét.

Trong phần năng lực, kinh nghiệm, HSMT yêu cầu nhà thầu đạt doanh thu bình quân từ 3 năm trở lại từ hoạt động tư vấn, cung cấp thiết bị và xây lắp tối thiểu là 515 tỷ đồng. Cam kết tín dụng của tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng trị giá 65 tỷ đồng.

Về kinh nghiệm trong quản lý thực hiện hợp đồng tương tự, HSMT yêu cầu nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc phần lớn trong vòng 3 năm trở lại (từ 1/1/2018) các gói thầu tương tự về bản chất và độ phức tạp. Theo đó, cần có hợp đồng EPC bao gồm công việc tư vấn thiết kế, mua sắm thiết bị và thi công xây dựng công trình dân dụng (khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị) cấp II trở lên; có tối thiểu 2 tầng hầm, 12 tầng nổi; có giá trị hợp đồng từ 241 tỷ đồng trở lên. Số lượng hợp đồng tương tự mà HSMT yêu cầu là 3, với tổng giá trị 723 tỷ đồng.

Gói thầu có nhiều hạng mục công việc, số lượng nhân sự chủ chốt trong HSMT đề cập khá lớn, bao gồm các vị trí quan trọng như chủ nhiệm thiết kế; chủ trì thiết kế kiến trúc; chủ trì thiết kế kết cấu, chủ trì thiết kế hệ thống điện; chủ nhiệm thiết kế nội thất; chỉ huy trưởng công trình; cán bộ kỹ thuật… “Gói thầu chỉ yêu cầu số năm kinh nghiệm (5 - 10 năm, tùy vị trí) và bằng cấp chuyên môn rất phù hợp. Đặc biệt, HSMT này không rơi vào tình trạng đòi hỏi quá nhiều bằng cấp, chứng chỉ dẫn tới khó khăn cho nhà thầu”, một đơn vị xây lắp tại TP.HCM cho biết.

Các nhà thầu còn nhận thấy, HSMT không yêu cầu cứng về số lượng đội ngũ công nhân, lao động phổ thông. “Như vậy, “đề bài” hoàn toàn theo hướng mở, tạo nhiều thuận lợi cho nhà thầu bằng cách tuân thủ sát với quy định của Luật Đấu thầu, không gây khó dễ cho nhà thầu bởi các tiêu chí về lao động phổ thông”, một nhà thầu nhận xét.

Trả lời Báo Đấu thầu, đại diện đơn vị tư vấn lập HSMT - Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Thiên Lộc Gia, ông Trần Trung Đức cho biết: “Việc xây dựng HSMT cố gắng bám sát nhất các quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn được nhà thầu đáp ứng cao nhất các tiêu chuẩn đánh giá”.

Tin cùng chuyên mục