Giá gói thầu Xây lắp hệ thống điện chiếu sáng tỉnh Quảng Trị là hơn 78,827 tỷ đồng, trong khi giá trúng thầu là gần 57,8 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi |
Vì sao không đủ năng lực vẫn trúng thầu?
Trong đơn kiến nghị, Công ty CP Đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp tỏ ra ngạc nhiên và thắc mắc về việc Liên danh Công ty CP Cơ sở hạ tầng và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh được lựa chọn trúng thầu Gói thầu nêu trên. Bởi theo khẳng định như “đinh đóng cột” của doanh nghiệp này, các thành viên của Liên danh không thể đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT), cả về năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp điện chiếu sáng.
Theo nhà thầu kiến nghị, HSMT yêu cầu doanh thu xây dựng trung bình hàng năm tối thiểu là 119 tỷ đồng, tính bằng tổng các khoản thanh toán đã được xác nhận cho các hợp đồng đang thực hiện hoặc đã hoàn thành trong vòng 3 năm (2014, 2015, 2016). Đối với liên danh, mỗi thành viên phải đáp ứng 40% của yêu cầu. Như vậy, theo tính toán của nhà thầu kiến nghị, doanh thu tối thiểu của từng thành viên phải đạt 47,6 tỷ đồng và tổng liên danh là 119 tỷ đồng.
Không chỉ cho rằng nhà thầu trúng thầu không đủ năng lực tài chính, nhà thầu kiến nghị còn “tố” nhà thầu trúng thầu không đủ năng lực nhân sự. Theo số liệu nhà thầu kiến nghị cung cấp, Công ty CP Cơ sở hạ tầng chỉ có 10 nhân viên; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh có 30 nhân viên.
Còn về kinh nghiệm, theo Công ty CP Đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp, các thành viên Liên danh trúng thầu đều chỉ có ngành nghề chính là thi công công trình dân dụng. Trong khi đó, HSMT yêu cầu đối với liên danh, tối thiểu phải có một thành viên đáp ứng yêu cầu hoặc bất kỳ thành viên nào trong liên danh phải chứng minh đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành trong vòng 5 năm qua 1 hợp đồng có quy mô và tính chất tương tự (tính đến thời điểm đóng thầu) có giá trị lớn hơn 60 tỷ đồng. Vậy, nhà thầu kiến nghị đặt vấn đề, liệu các nhà thầu trong Liên danh này có đáp ứng yêu cầu hợp đồng tương tự về thi công điện chiếu sáng hay không, vì Công ty CP Cơ sở hạ tầng là đơn vị mới tham gia vào lĩnh vực thi công điện chiếu sáng và không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của HSMT?
Không những vậy, nhà thầu kiến nghị còn lo ngại về thực trạng lựa chọn nhà thầu bỏ giá thấp ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành và chất lượng của Gói thầu.
Trước đó, Báo Đấu thầu đã có bài viết phản ánh về kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu nêu trên. Trong đó, nhà thầu trúng thầu giảm giá rất sâu, lên tới 26,68% giá Gói thầu.
Đâu là thông tin chính xác?
Xác minh những thông tin của kiến nghị này, phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với Ban Quản lý Dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông tỉnh Quảng Trị (BQLDA). Tuy nhiên, một số cán bộ của BQLDA né tránh việc cung cấp thông tin và chỉ trả lời là “không nắm được thông tin và chưa được phân công”.
Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị, cơ quan này xác nhận là đã nhận được Đơn kiến nghị của Công ty CP Đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp. Sở đang yêu cầu BQLDA có văn bản giải trình về vấn đề này và sẽ sớm có phản hồi cho Báo Đấu thầu.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, cả hai thành viên của Liên danh nhà thầu trúng thầu đều đã đăng ký tư cách nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo thông tin đăng ký, Công ty CP Cơ sở hạ tầng hiện có 10 tỷ đồng vốn điều lệ và 75 nhân viên; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh hiện có vốn điều lệ là 55,15 tỷ đồng và 300 nhân viên.
Phản bác nội dung kiến nghị, bước đầu, một cán bộ Phòng Kế hoạch của Công ty CP Cơ sở hạ tầng khẳng định rằng, Nhà thầu hoàn toàn đủ năng lực. Công ty từng thực hiện nhiều công trình xây lắp điện chiếu sáng có quy mô và tính chất tương tự như: Công trình Pháp Vân - Cầu Giẽ, một số cầu cảng, sân bay... Những thông tin còn lại, Nhà thầu này từ chối cung cấp thêm.
Qua rà soát của phóng viên Báo Đấu thầu, những gói thầu mà Công ty CP Cơ sở hạ tầng từng trúng thầu có thể kể đến: Gói thầu số 10C1 Hệ thống điện - chiếu sáng giai đoạn 1 thuộc Dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước với giá trúng thầu là 97,825 tỷ đồng; Gói thầu số 19 Cung cấp và lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng thuộc Dự án Đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, TP. Hà Nội theo hình thức BOT (giai đoạn 2) với giá trúng thầu là 23,563 tỷ đồng...
Trong khi đó, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trần Nguyên Ngọc - Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp cho biết, do nghi ngại về năng lực của nhà thầu trúng thầu nên dù chỉ mua HSMT và không tham gia đấu thầu, nhưng Công ty vẫn làm đơn kiến nghị đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ năng lực của các nhà thầu. Còn số liệu chứng minh năng lực của nhà thầu trúng thầu, nhà thầu kiến nghị chỉ dựa vào thông tin tại website: https://thongtindoanhnghiep.co, mà không có căn cứ nào khác.