Gói thầu kiểm toán tại Bình Định: Điều chỉnh HSMT sau kiến nghị của nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Bình Định, một gói thầu kiểm toán khiến nhiều nhà thầu bức xúc bởi những tiêu chuẩn đánh giá đối với nhân sự được quy định tại hồ sơ mời thầu (HSMT). Một số nhà thầu cho biết, với những tiêu chí về nhân sự tại HSMT, họ đành bỏ cuộc. Ngay sau khi nhận được kiến nghị của nhà thầu, Chủ đầu tư đã kịp thời điều chỉnh một số tiêu chí bị “tố” là quá cao tại HSMT.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đang tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành thuộc Dự án thành phần Sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới một số cầu sập và xuống cấp thuộc Dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung - tỉnh Bình Định.

Theo phản ánh của một số nhà thầu, HSMT đưa ra những tiêu chuẩn đánh giá quá cao ở hầu hết các vị trí nhân sự thực hiện Gói thầu (giá gói thầu là 592 triệu đồng).

Cụ thể, trong số các tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm nhà thầu, HSMT áp dụng thang điểm chi tiết: 10 - 15 năm kinh nghiệm (đạt điểm tối thiểu là 3,5 điểm); 16 - 20 năm (4 điểm); từ 20 năm trở lên (đạt điểm tối đa là 5 điểm). Các nhà thầu cho rằng, với quy định này, nhiều doanh nghiệp sẽ dễ dàng bị loại dù năng lực có tốt đến đâu. Nhà thầu kiến nghị điều chỉnh tiêu chí này cho phù hợp với quy mô, tính chất Gói thầu, để đảm bảo rằng, những nhà thầu có thực lực sẽ không bị bỏ lại phía sau.

Mặt khác, HSMT yêu cầu nhà thầu đáp ứng tối thiểu 6 hợp đồng tương tự (hợp đồng kiểm toán công trình giao thông cấp III, mỗi hợp đồng có giá trị trên 590 triệu đồng). Đồng thời, HSMT áp dụng tiêu chuẩn này cho từng thành viên trong liên danh đối với trường hợp liên danh dự thầu. Nhà thầu cho rằng, yêu cầu 6 hợp đồng đối với nhà thầu đứng đầu liên danh đã là quá cao so với quy mô Gói thầu, nếu áp dụng đối với từng thành viên liên danh thì không khác gì đánh đố.

Chưa dừng lại ở đó, HSMT yêu cầu trưởng đoàn kiểm toán phải là thành viên ban tổng giám đốc; tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, kiểm toán, xây dựng; có bằng cử nhân Anh văn; có chứng chỉ kiểm toán viên quốc tế; có tối thiểu 10 năm kinh nghiệm; đã có kinh nghiệm làm trưởng đoàn kiểm toán tối thiểu 6 hợp đồng tương tự. Nhà thầu cho rằng, yêu cầu trưởng đoàn kiểm toán phải là thành viên của ban tổng giám đốc là thiếu căn cứ pháp lý. Thêm vào đó, vị trí này phải có bằng cử nhân Anh văn, đồng nghĩa với việc phải có 2 bằng đại học. Yêu cầu này được đánh giá là quá cao.

Ngoài ra, đối với tiêu chí đánh giá ở hầu hết các vị trí nhân sự khác như: trưởng nhóm kiểm toán kỹ thuật (có thẻ thẩm định viên về giá tối thiểu 5 năm; có chứng chỉ kỹ sư định giá hạng II; chứng chỉ hành nghề đấu thầu...); nhóm kiểm toán viên, nhóm kỹ thuật viên (tối thiểu 10 kiểm toán viên đáp ứng: tối thiểu 5 năm kinh nghiệm, đã tham gia thực hiện từ 6 hợp đồng tương tự)..., các nhà thầu đều cho rằng quá khắt khe so với quy mô, tính chất Gói thầu.

Phúc đáp kiến nghị của các nhà thầu, Chủ đầu tư cho biết, Dự án có sử dụng phần vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Vì vậy, việc xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá phải vận dụng đồng thời quy định pháp luật về đấu thầu của Việt Nam và quy chế đấu thầu của WB. Song, ghi nhận ý kiến của các nhà thầu, Chủ đầu tư quyết định điều chỉnh một số tiêu chí đánh giá nhằm tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu. Theo đó, tiêu chí về số năm kinh nghiệm tối thiểu của nhà thầu được điều chỉnh từ 10 năm thành 5 năm. Số lượng HĐTT yêu cầu tại một số nội dung đánh giá cũng được điều chỉnh còn 5 HĐTT. Vị trí trưởng đoàn kiểm toán chỉ còn phải đáp ứng một bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, kiểm toán, xây dựng và có chứng chỉ kiểm toán viên quốc tế. Các yêu cầu còn lại đều được lược bỏ tại HSMT sửa đổi...

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia kiểm toán nhận định, nếu giữ nguyên tiêu chuẩn đánh giá ban đầu, hầu hết các nhà thầu trong lĩnh vực kiểm toán đều phải chào thua, ngoại trừ “Big 4” ngành kiểm toán, gồm: PricewaterhouseCoopers (PWC), Deloitte, Ernst and Young (E&Y), Công ty TNHH KPMG (KPMG). Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, việc Chủ đầu tư ghi nhận phản ánh của các nhà thầu và kịp thời điều chỉnh HSMT là một động thái tích cực. Tuy nhiên, nếu các tiêu chí này không bị “tố”, liệu HSMT có bảo đảm tính cạnh tranh? Từ trường hợp của gói thầu nêu trên, vị chuyên gia khuyến nghị, các chủ đầu tư/bên mời thầu, cùng đơn vị tư vấn cần cẩn trọng, khách quan, nghiêm túc khi xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá nhà thầu ngay từ ban đầu. Từ đó, tránh gây bức xúc cho nhà thầu, đồng thời, tăng tính minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả trong công tác đấu thầu.

Dự kiến ngày 6/4/2021, gói thầu nêu trên sẽ hoàn thành mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật.

Tin cùng chuyên mục