Gói thầu kiểm toán tại Gia Lai: Tiêu chuẩn đánh giá không phù hợp nội dung gói thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai đang đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) Gói thầu 10 Tư vấn kiểm toán thuộc Dự án Đường liên huyện Chư Sê - Chư Pưh - Chư Prông. Trong thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), một số ý kiến cho rằng, yêu cầu về điều kiện địa lý tương tự cùng với một số tiêu chí về bằng cấp, chứng chỉ tại HSMT đã hạn chế sự tham gia của nhà thầu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu nêu trên có giá dự toán 841 triệu đồng, trên tổng mức đầu tư của Dự án là 320 tỷ đồng, lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai. HSMT được phát hành từ ngày 3/2/2021 đến 2/3/2021.

Theo tìm hiểu, sau 2 ngày kể từ thời điểm HSMT được phát hành, 2 nhà thầu quan tâm đến Gói thầu đã có văn bản kiến nghị Chủ đầu tư điều chỉnh một số tiêu chí được quy định tại HSMT. Cụ thể, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Grand và Công ty TNHH Kiểm toán Quốc tế Unistars đều cho rằng, bên cạnh yêu cầu về điều kiện địa lý tương tự, thì HSMT yêu cầu các nhân sự kiểm toán quá nhiều bằng cấp, chứng chỉ, vượt xa chức năng, nhiệm vụ của các nhân sự này, dẫn tới hạn chế cạnh tranh.

Cụ thể, trong số các tiêu chuẩn đánh giá nhà thầu tại Chương III, HSMT quy định: “Trường hợp 9 hợp đồng kiểm toán mà công trình có điều kiện địa lý tương tự (tại các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên) thì được cộng thêm 2 điểm”. Đồng thời, HSMT cũng quy định tiêu chí này để đánh giá đối với các vị trí nhân sự. Đây là tiêu chí cộng điểm ưu tiên, được quy định với cơ cấu tổng số điểm ở tất cả các nội dung liên quan là 6 điểm (chiếm tỷ lệ 6% tổng điểm).

Trong số các tiêu chuẩn đánh giá nhân sự, đối với vị trí Phó Trưởng đoàn kiểm toán (số lượng 1 người), ngoài yêu cầu bằng đại học chuyên ngành kế toán, kiểm toán, HSMT còn yêu cầu chứng chỉ định giá đất. Theo đó, bằng việc dẫn chiếu pháp luật đất đai hiện hành quy định một trong những điều kiện cấp chứng chỉ định giá đất là có trình độ từ đại học trở lên chuyên ngành về quản lý đất đai, vật giá, thẩm định giá, địa chính, kinh doanh bất động sản, kinh tế bất động sản và các chuyên ngành khác liên quan đến định giá đất, các nhà thầu chỉ ra rằng, bằng cấp yêu cầu đối với vị trí này tại HSMT, không phù hợp với nội dung gói thầu kiểm toán đang xét.

Đối với vị trí kỹ thuật viên, HSMT yêu cầu nhà thầu đáp ứng số lượng tối thiểu là 8 kỹ sư chuyên ngành xây dựng (bao gồm 6 kỹ sư giao thông và 2 kỹ sư kinh tế xây dựng), đồng thời yêu cầu 8 nhân sự này đều phải có chứng chỉ định giá xây dựng. Yêu cầu này cũng được các nhà thầu đánh giá là không phù hợp với nội dung của một gói thầu kiểm toán.

Sau 15 ngày kể từ thời điểm các nhà thầu gửi kiến nghị, Chủ đầu tư đã có văn bản phản hồi theo hướng bảo lưu toàn bộ tiêu chí trong HSMT. Trong công văn phúc đáp, Chủ đầu tư khẳng định HSMT được xây dựng hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật đấu thầu hiện hành, phù hợp với tính chất, quy mô của toàn dự án. Theo đó, vị trí Phó Trưởng đoàn kiểm toán phải có chứng chỉ trong lĩnh vực đất đai, thẩm định giá, do hạng mục đền bù, giải phóng mặt bằng chiếm 15% giá trị dự án, yêu cầu trong số các nhân sự kiểm toán phải có tối thiểu 1 người có chuyên môn trong lĩnh vực này.

Ngày 2/3/2021, Gói thầu được mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật, với sự tham dự của duy nhất một nhà thầu, đó là Công ty TNHH Kiểm toán AVN Việt Nam.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia đấu thầu cho rằng, việc áp dụng điều kiện địa lý tương tự để đánh giá năng lực nhà thầu trong các gói thầu kiểm toán là không phù hợp. Bởi, năng lực của kiểm toán viên hay công ty kiểm toán không phụ thuộc vào vùng miền, địa phương có dự án cần kiểm toán, công tác kiểm toán không phụ thuộc vào đặc điểm địa lý. Mặt khác, khi xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá nhân sự, cần nhìn vào chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng vị trí nhân sự để đưa ra yêu cầu đúng, đủ, tránh trường hợp lạm dụng yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ để “hành” nhà thầu, hạn chế cạnh tranh.

Khảo sát sơ bộ dữ liệu Báo Đấu thầu cho thấy, gần 5 năm qua, thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu rút gọn, Công ty TNHH Kiểm toán AVN Việt Nam trúng ít nhất 167 gói thầu kiểm toán. Các gói thầu này chủ yếu trúng tại các tỉnh, thành thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Tin cùng chuyên mục