Gói thầu mua sắm tại Đại học Bách khoa Hà Nội: Nhiều tiêu chí bất cập, ai trúng thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại học Bách khoa Hà Nội vừa công bố chọn được nhà thầu thực hiện Gói thầu Mua sắm trang thiết bị, bàn ghế cho các phòng học thuộc tòa nhà D5. Việc hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu này yêu cầu tiến độ giao bàn ghế học sinh và giảng viên gấp gáp, gây khó khăn cho nhà thầu tham dự đã được Báo Đấu thầu phản ánh trong bài viết “Gói thầu mua sắm tại Đại học Bách khoa Hà Nội: “Thần tốc” tiến độ giao 800 bộ bàn ghế” đăng ngày 20/8/2024.
Gói thầu Mua sắm trang thiết bị, bàn ghế cho các phòng học thuộc tòa nhà D5 Đại học Bách khoa Hà Nội có giá 4,875 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Gói thầu Mua sắm trang thiết bị, bàn ghế cho các phòng học thuộc tòa nhà D5 Đại học Bách khoa Hà Nội có giá 4,875 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Gói thầu nêu trên có giá 4,875 tỷ đồng, do Đại học Bách khoa Hà Nội làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu, đóng thầu ngày 18/8/2024 với 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), gồm: Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Nguyệt Ánh II (giá dự thầu 4,423 tỷ đồng); Liên danh Công ty CP Recon - Công ty TNHH Đầu tư phát triển nội thất Bảo Lâm - Công ty CP Âm thanh Ánh sáng Việt Mới (giá dự thầu 4,659 tỷ đồng); Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Ngọc Diệp (giá dự thầu 4,686 tỷ đồng).

Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Nguyệt Ánh II có giá dự thầu thấp nhất nên được đánh giá trước. Nhà thầu đạt yêu cầu về tính hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm nhưng không đạt yêu cầu về kỹ thuật. Chủ đầu tư đề nghị Nhà thầu làm rõ một số nội dung về kỹ thuật nhưng đến hết ngày 27/8/2024, Nhà thầu không trả lời làm rõ.

Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Ngọc Diệp không được đánh giá HSDT vì Liên danh Công ty CP Recon - Công ty TNHH Đầu tư phát triển nội thất Bảo Lâm - Công ty CP Âm thanh Ánh sáng Việt Mới có giá dự thầu thấp thứ 2 được đánh giá đáp ứng các yêu cầu của HSMT và trúng thầu với giá 4,659 tỷ đồng.

Theo báo cáo đánh giá HSDT của Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Huy Hoàng (tư vấn chấm thầu), Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Nguyệt Ánh II có các hàng hóa thuộc hạng mục bàn liền ghế sinh viên (bàn đầu hồi yếm dài, bàn ghép yếm ngắn) cùng hãng sản xuất Vikor không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về kích thước, không có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Nhà thầu cũng không có tài liệu chứng minh có đại lý hoặc văn phòng sẵn sàng thực hiện phương án cung cấp và bàn giao hàng hóa phù hợp với địa điểm và đặc trưng của Chủ đầu tư.

Ngày 11/9/2024, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Nguyệt Ánh II cho biết, Nhà thầu gặp khó khăn trong việc chứng minh tính đáp ứng của hạng mục màn chiếu trong HSDT nên đã không tiến hành làm rõ HSDT.

Cán bộ của Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, Chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Liên danh trúng thầu và Nhà thầu đang khẩn trương cung cấp, lắp đặt thiết bị, bàn ghế. Tiến độ thực hiện của Nhà thầu đáp ứng yêu cầu.

Như Báo Đấu thầu đã thông tin, trong thời gian mời thầu, nhà thầu phản ánh việc HSMT yêu cầu thời gian giao hàng (800 bộ bàn ghế) muộn nhất 12 ngày sau khi ký hợp đồng là thách thức lớn với nhà thầu, trừ trường hợp đã có sự chuẩn bị từ trước. Với khối lượng yêu cầu khá lớn (tổng giá trị bàn ghế chiếm khoảng 50% giá trị gói thầu), kích thước bàn ghế theo yêu cầu riêng, chất liệu không phải dạng phổ thông, nhà thầu cho rằng cần có thời gian làm mẫu trước khi sản xuất hàng loạt. Theo ước tính của nhà thầu, để sản xuất số lượng bàn ghế theo nhu cầu của gói thầu trên mất khoảng 15 - 20 ngày, chưa kể thời gian vận chuyển và lắp đặt, hoàn thiện.

Bên cạnh đó, nhà thầu phản ánh, đối với bộ phát micro không dây, trong thông số kỹ thuật tại HSMT ghi bộ phát micro không dây TOA kèm theo các thông số kỹ thuật. Nhà thầu đặt câu hỏi, có phải Chủ đầu tư chỉ định luôn hàng hóa của hãng TOA? Vì theo tìm hiểu của nhà thầu, thiết bị điện tử của các hãng sẽ có thông số khác nhau, thiết bị của hãng này khó có thể đáp ứng 100% thông số kỹ thuật của hãng khác. Tương tự, HSMT yêu cầu nhà thầu cung cấp máy chiếu đa năng Infocus có phải chỉ định luôn hàng hóa của hãng Infocus?

Thực tế, trong phạm vi thực hiện hợp đồng Gói thầu, Liên danh trúng thầu cung cấp 7 tăng âm liền Mixer 240W, ký mã hiệu A-2240 H; 28 loa hộp 60W (trở kháng thấp/cao), ký mã hiệu F-2000BT đều của nhãn hiệu TOA, xuất xứ Indonesia, sản xuất năm 2024. Nhà thầu trúng thầu còn cung cấp 7 bộ thu không dây UHF, 22 bộ phát micro không dây, 22 micro choàng đầu đa hướng đều có nhãn hiệu TOA; 22 máy chiếu đa năng ký mã hiệu P161, P/N: IN1044, nhãn hiệu Infocus, do Trung Quốc sản xuất năm 2024…

Tin cùng chuyên mục