Gói thầu ở Nhiệt điện Phả Lại: Đề nghị của nhà thầu bị “bỏ quên”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 18/12/2023, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu) đã đóng thầu Gói thầu Đại tu tự dùng một chiều trạm 220kV (các bộ ắc quy) - Kế hoạch sửa chữa lớn năm 2023. Tuy nhiên, trong văn bản gửi Báo Đấu thầu, một nhà thầu bày tỏ nghi vấn về một số tiêu chí trong hồ sơ mời thầu (HSMT) có thể tạo lợi thế cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời, Bên mời thầu không làm tròn vai khi không làm rõ HSMT.
Gói thầu Đại tu tự dùng một chiều trạm 220kV (các bộ ắc quy) - Kế hoạch sửa chữa lớn năm 2023 của Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại có giá 2,194 tỷ đồng. Ảnh minh họa: St
Gói thầu Đại tu tự dùng một chiều trạm 220kV (các bộ ắc quy) - Kế hoạch sửa chữa lớn năm 2023 của Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại có giá 2,194 tỷ đồng. Ảnh minh họa: St

Gói thầu có giá 2,194 tỷ đồng; lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng, phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ. Thời gian mời thầu từ ngày 6 - 18/12/2023.

Theo biên bản mở thầu, có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), gồm: Công ty CP Thương mại xây dựng cơ khí điện tự động hóa COMEECO, Công ty TNHH Đầu tư phát triển Trường Khải, Công ty TNHH MTV Đo lường thí nghiệm điện miền Bắc.

Trong văn bản phản ánh tới Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho rằng, HSMT đưa ra một số yêu cầu tạo lợi thế cạnh tranh không bình đẳng. Cụ thể, Mục 5.1 thuộc Chương V - Yêu cầu kỹ thuật của HSMT đã đưa yêu cầu thông số cơ bản đối với vật tư, thiết bị (ắc quy) nêu rõ: “Nhà sản xuất: HOPPECKE (Đức); khối lượng 29,3 kg...” mà không có cụm từ “hoặc tương đương”. Trong khi đó, Mục 3.2 Chương III HSMT yêu cầu cung cấp vật tư, thiết bị (hàng hóa) đúng các đặc tính thông số kỹ thuật mới đáp ứng.

Theo nhà thầu, thông số khối lượng ắc quy của mỗi nhà sản xuất là khác nhau, nhưng hàng hóa sản xuất đều phải tuân thủ theo tiêu chuẩn sản xuất IEC 60896-11 và đáp ứng dung lượng theo yêu cầu của HSMT. Vì vậy, Bên mời thầu không thể “chốt cứng” thông số khối lượng này để yêu cầu hàng hóa mời thầu, gây hạn chế cạnh tranh. Ngoài ra, ngày 8/12/2023, một nhà thầu đã có văn bản đề nghị làm rõ một số nội dung trong HSMT, song Bên mời thầu không phản hồi. Để tạo cơ hội cho các nhà thầu cạnh tranh bình đẳng, nhà thầu đề nghị các bên liên quan vào cuộc kiểm tra, làm rõ, trường hợp có sai phạm cần xử lý nghiêm.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng Kế hoạch thuộc Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại tỏ ra bất ngờ trước thông tin phản ánh và cho biết, Bên mời thầu không nhận được bất kỳ đề nghị làm rõ HSMT nào. Tuy nhiên, sau kiểm tra trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, vị đại diện thừa nhận đã sơ suất không kiểm tra yêu cầu làm rõ HSMT trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Phản hồi về việc HSMT nêu đích danh nhà sản xuất, thiếu cụm từ “hoặc tương đương”, hay “chốt cứng” thông số kỹ thuật, đại diện Bên mời thầu lý giải, yêu cầu đưa ra tại Mục 5.1 Chương V trong HSMT chỉ nhằm mô tả hiện trạng thiết bị và tạo điều kiện tốt hơn cho nhà thầu tham khảo để chuẩn bị HSDT, chứ không phải là tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật. Bởi, ngay tại Mục 3.8 Chương V, HSMT yêu cầu, hàng hóa chào thầu phải có nhãn mác, ký mã hiệu rõ ràng, thông số kỹ thuật đúng như trong bảng tiên lượng của HSMT, hoặc tương đương hoặc tốt hơn. Đối với hàng hóa tương đương hoặc tốt hơn, phải có tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất kèm theo HSDT để chứng minh tính phù hợp với HSMT... Bên mời thầu khẳng định đã xây dựng HSMT phù hợp trên cơ sở theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, Bên mời thầu không làm tròn vai, bởi khi có đề nghị làm rõ HSMT, Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia đều gửi email đến địa chỉ của Bên mời thầu. Để bảo đảm công bằng, minh bạch, Bên mời thầu phải trả lời, nếu đề nghị làm rõ của nhà thầu không đáp ứng thì nêu rõ lý do.

Tại Mục 7.3 Chương I Chỉ dẫn nhà thầu của HSMT cũng viết rõ: “Bên mời thầu chịu trách nhiệm theo dõi thông tin trên Hệ thống để kịp thời làm rõ HSMT theo đề nghị của nhà thầu”.

Cũng theo vị chuyên gia, việc xây dựng HSMT không được chặt chẽ, bởi yêu cầu về thông số kỹ thuật chỉ đích danh nhà sản xuất HOPPECKE (Đức) mà thiếu cụm từ “hoặc tương đương”; khối lượng của hàng hóa cũng bị “chốt cứng” là 29,3 kg mà không giới hạn trong một khoảng nhất định... Những yêu cầu này có thể gây hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục